Tìm hiểu về nguồn gốc các triều đại Lý và Trần (Bài 2)

  Tìm hiểu về nguồn gốc các triều đại Lý và Trần (Bài 2)

2. Văn hóa các triều Lý – Trần:

a. Trống đồng:

Điều đầu tiên, và cũng là quan trọng nhất, đó là các triều Lý – Trần cũng sử dụng trống đồng, đây là một cốt lõi văn hóa của người Việt. Việc kế thừa và sử dụng trống đồng đã cho thấy được vai trò của văn hóa Việt trong văn hóa các triều đại Lý Trần. Không chỉ một, mà có rất nhiều trống đồng với các hoa văn Rồng đặc trưng của thời kỳ này đã được tìm thấy, chứng minh cho sự sử dụng rộng rãi của trống đồng trong thời kỳ này,

 

 


Trống đồng Bình Yên được tìm thấy tại Thanh Hóa đã được đúc cùng với hoa văn Rồng thời Lý



Trống đồng này cho chúng ta thấy được sự kế thừa trống đồng trong thời kỳ Lý – Trần, việc khắc hoa văn Rồng đặc trưng của triều đại này đã cho thấy các triều Lý và Trần thực sự đã đúc và sử dụng trống trong các hoạt động của mình.

Ngoài trống đồng Bình Yên, thì còn một số trống khác được khắc họa hình Rồng đặc trưng thời Lý – Trần, hiện đang được lưu trữ tại Bảo tàng lịch sử Việt Nam.

Trống đống có nguồn gốc từ miền Bắc Việt Nam, kế thừa trực tiếp từ văn hóa Đông Sơn như chúng tôi đã chứng minh ở bài viết khác. Sự xuất hiện của trống đồng ở các vùng khác đơn thuần là sự ảnh hưởng của văn hóa Đông Sơn, nó không có ý nghĩa phủ nhận sự kế thừa văn hóa cổ của thời Lý – Trần.

Bên cạnh đó, thì trống đồng cũng xuất hiện trong ghi chép lịch sử, khi sứ giả Trần Phu của nhà Nguyên đã chép về trống đồng trong chuyến đi sứ của mình tới Đại Việt.

金戈影裏丹心苦,
銅鼓聲中白髮生.

“Kim qua ảnh lý đan tâm khổ
Đồng cổ thanh trung bạch phát sinh”

(“Thấy gươm sắt lóe sáng lòng đau khổ
Nghe tiếng trống đồng sợ bạc cả đầu”).


Hình ảnh trống đồng Bình Yên và bản dập hoa văn mặt trống.

b. Phong tục xăm mình:

Thời Lý – Trần, các triều đại này cũng kế thừa phong tục xăm mình của tộc Việt, đây là một phong tục hoàn toàn không có trong văn hóa Hoa Hạ. Các dân tộc xăm mình trên thế giới cũng không ít, tuy nhiên để xét về bối cảnh lịch sử và sự kế thừa văn hóa, chúng ta cần nhìn nhận dựa trên phong tục cổ thời kỳ Hùng Vương, người Việt đã có phong tục xăm mình hình rồng, tới thời kỳ Lý – Trần, các triều đại vẫn tiếp tục kế thừa phong tục xăm mình hình rồng như thời kỳ cổ đại của người Việt, các dân tộc khác có tục xăm mình cũng không phủ nhận được sự kế thừa đó.

Đại Việt sử ký toàn thư chép về thời Anh Tông nhà Trần: “Thượng hoàng có lần ngự cung Trùng Quang, vua đến chầu, quốc công Quốc Tuấn đi theo. Thượng hoàng nói: “Nhà ta vốn là người hạ lưu (thủy tổ người Hiền Khánh), đời đời chuộng dũng cảm, thường xăm hình rồng vào đùi. Nếp nhà theo nghề võ, nên xăm rồng vào đùi để tỏ là không quên gốc”; “Lại hồi quốc sơ, quân sĩ đều xăm hình rồng ở bụng, ở lưng và hai bắp đùi, gọi là “thái long” (rồng hoa).Vì khách buôn người Tống thấy dân Việt ta xăm hình rồng, lỡ gặp gió bão thuyền đắm, thuồng luồng không dám phạm tới, cho nên gọi là “thái long”.”

Đại Việt sử lược chép vào thời Thánh Tông nhà Lý: “Cấm những người đầy tớ trong nhà thích (xăm) hình con rồng trên mình.”

Đại Việt sử lược chép về thời Anh Tông nhà Lý: “Những nhà quyền thế không được tự tiện thu dùng các hạng người trong dân chúng. Các bậc vương hầu trong lúc đêm tối không được qua lại trong thành. Kẻ gia nô của bậc vương hầu không được xăm hình rồng ở nơi ngực.”

Đại Việt sử ký toàn thư chép về thời Nhân Tông nhà Lý: “Cấm nô bọc của các nhà dân trong ngoài kinh thành không được thích mực vào ngực, vào chân như cấm quân cùng là xăm hình rồng ở mình, ai phạm thì sung làm quan nô.”

c. Phong tục ăn trầu:

Thời Lý – Trần, các triều đình này cũng có một phong tục rất quan trọng của người Việt trong văn hóa hoàng gia, đó là ăn trầu và sử dụng trầu cau!

Đại Việt sử ký toàn thư chép về giai đoạn chuyển giao giữa nhà Lý và nhà Trần: “Có một hôm, Cảnh bưng chậu nước hầu, Chiêu Hoàng rửa mặt lấy tay vốc nước té ướt cả mặt Cảnh rồi cười trêu, đến khi Cảnh bưng khăn trầu thì lấy khăn ném cho Cảnh.”

Đại Việt sử ký toàn thư, (Trần) Thái Tông hoàng đế chép: “Tháng 2, dời dựng điện Linh Quang ở Đông Bộ Đầu, gọi là điện Phong Thủy. Khi xa giá dừng ở đây, các quan đưa đón, đều dâng trầu cau và trà, nên tục gọi là điện Trà.”

d. Phong tục đi chân trần:

Các vua, quan thời Lý, Trần cũng đi chân đất, đây là một đặc trưng phân biệt rất quan trọng giữa văn hóa tộc Việt và văn hóa Hoa Hạ. Người Hoa Hạ quan niệm rằng mũ áo, giày dép là biểu trưng cho sự văn minh, nhưng người Việt thì không như vậy, trong văn hóa người Việt thì đi chân trần là một phong tục quen thuộc từ thời cổ đại cho tới tận ngày nay. Nếu nhà Trần gốc Hoa Hạ, thì sẽ không bao giờ có chuyện họ lại đi chân đất theo đặc trưng của người Việt.

Chu Khứ Phi (Trung Quốc) trong sách “Lĩnh ngoại đại đáp” (1178) chép về phong tục thời Lý như sau: “Người nước ấy áo thâm, răng đen, búi tóc chuy kế, đi chân đất, sang hèn đều như vậy.”

Chư Phiên Chí (năm 1225) của Triệu Nhữ Thích có bình luận rằng nam nữ Đại Việt đều đi chân đất.

e. Kết luận:

Như vậy thì phong tục của các triều đại Lý – Trần mang những dấu ấn rất đậm nét của văn hóa Việt, đây vốn là những đặc trưng văn hóa mà người Hoa Hạ xem là của “man di”, nếu các triều đại này có nguồn gốc từ phương Bắc, thì những đặc trưng văn hóa này chắc chắn sẽ không xuất hiện trong các tầng lớp hoàng tộc của các triều Lý – Trần.