Tìm hiểu về nguồn gốc các triều đại Lý và Trần (Bài 1)

 Tìm hiểu về nguồn gốc các triều đại Lý và Trần (Bài 1)



Về vấn đề nguồn gốc của triều Lý Trần, thì dựa trên một số ghi chép lịch sử, đã xuất hiện luồng quan điểm cho rằng đây là các triều đại có nguồn gốc từ phương Bắc, hay “gốc Trung Quốc”, dẫn tới một kết luận rất chủ quan về nguồn gốc dân tộc Việt: các triều đại Việt đều do người Trung Quốc lập nên và cai trị người bản địa.

 

Chúng tôi sẽ tìm hiểu sâu và toàn diện hơn về lịch sử của người Việt, để có thể thấy được nguồn gốc của các triều đại Lý – Trần, nền tảng văn hóa của các triều đại này, cũng như xác minh thông tin về các khái niệm được lấy làm cơ sở kết luận về “nguồn gốc Trung Quốc” của các triều đại đế vương Việt Nam.




1. Nguồn gốc các triều Lý – Trần:

a. Nguồn gốc triều Lý:

Suy đoán về việc triều Lý có nguồn gốc Mân bắt nguồn từ bức thư của Từ Bá Tường gửi cho vua Lý được chép trong sách “Lý Thường Kiệt: lịch sử ngoại giao và tông giao triều Lý” của Hoàng Xuân Hãn.

Sách Lý Thường Kiệt – lịch sử ngoại giao và tông giao triều Lý chép: “Vả hai năm trước, có người Tống tên Từ Bá Tường, quê châu Bạch, thuộc Quảng Tây, đã cho người thầm thông với vua Lý. Bá Tường nguyên đậu tiến sĩ, nhưng không được bổ làm quan. Y viết cho vua Lý (1073) nói rằng: “Tiên thế Đại vương vốn người đất Mân. Tôi nghe nói công khanh ở Giao Chỉ cũng nhiều người đất Mân. Bá Tường này, tài lược không kém người, nhưng không được trọng dụng ở Trung Quốc. Vậy xin giúp Đại vương.”” [1]

Đây là cơ sở cho những suy đoán về việc Lý Công Uẩn có nguồn gốc Mân, tuy đất Mân cũng là đất cũ của cộng đồng tộc Việt, nhưng việc Lý Công Uẩn có gốc Mân xét về thực tế thì hoàn toàn không có cơ sở. Như ghi chép ở trên, thì Từ Bá Tường nói rằng “tôi nghe nói công khanh ở Giao Chỉ cũng nhiều người đất Mân”, vậy thì việc ông cho rằng vua Lý gốc Mân cũng chỉ là “nghe nói” mà thôi. Tin đồn này có vẻ như đã có từ lâu, sau đó, trong An Nam chí lược, Lê Tắc có nhắc tới tin đồn này và xác minh rằng “không đúng”.

An Nam chí lược chép về Lý Công Uẩn: “Người Giao Châu (có kẻ bảo là người Phúc Kiến, không đúng), có tài thao lược, Lê Chí Trung dùng làm đại tướng, rất thân tín.” [2]

Như vậy thì thông tin Lý Công Uẩn gốc Mân mới chỉ dừng ở mức tin đồn, không có sử sách chính thức nào của người Việt xác minh vấn đề này. Các sách đều ghi chép ông là người Giao Châu. Xét về nguồn gốc triều Lý, thì còn là vấn đề nguồn gốc gia tộc của ông, đây cũng là một lỗ hổng để giả thuyết về Lý Công Uẩn gốc Mân hay cho rằng ông có gốc Trung Quốc có không gian tồn tại.

Đại Việt sử lược, sách đầu tiên và sớm nhất chép lại về Lý Công Uẩn, cho chúng ta thấy những thông tin rất rõ ràng và đơn giản: Thái Tổ gốc là ở Cổ Pháp, thuộc Bắc Giang, mẹ là người họ Phạm, ngoài ra thì không thấy thông tin gì thêm về nguồn gốc của ông.

Đại Việt sử lược chép: “Vua Thái Tổ tên húy là Uẩn, họ Nguyễn (tức họ Lý – ND) người ở Cổ Pháp thuộc Bắc Giang. Mẹ là người họ Phạm, sanh ra ngài vào ngày 17 tháng 2 năm thứ 5 niên hiệu Thái Bình (đời Đinh Tiên Hoàng, tức là năm Giáp Tuất – 974- ND)”. [3]

Sau đó, Đại Việt toàn thư lại chép thêm những thông tin có phần kỳ quái, dị đoan về nguồn gốc của Lý Công Uẩn, đi rất xa so với những gì mà sách Đại Việt sử lược đã chép lại.

Đại Việt sử ký toàn thư chép về nguồn gốc Lý Công Uẩn: “Họ Lý, tên húy là Công Uẩn, người châu Cổ Pháp Bắc Giang, mẹ họ Phạm, đi chơi chùa Tiêu Sơn cùng với người thần giao hợp rồi có chửa, sinh vua ngày 12 tháng 2 năm Giáp Tuất, niên hiệu Thái Bình năm thứ 5 [974] thời Đinh.” [4]

Chúng tôi muốn đặt nghi vấn cho Ngô Sĩ Liên, soạn giả của Đại Việt toàn thư: ông đã dựa vào đâu để thêm chi tiết “mẹ họ Phạm, đi chơi chùa Tiêu Sơn cùng với người thần giao hợp rồi có chửa“? Những ghi chép sớm hơn trong Đại Việt sử lược đã cho thấy Lý Thái Tổ biết cha mình là ai, ông đã truy tôn cha là Hiển Khánh Vương.

Đại Việt sử lược chép: “Vua truy tôn cha là “Hiển Khánh Vương”, mẹ là “Minh Đức Thái Hâu”, sách lập vương hậu sáu người, lập con trưởng là Mã làm Thái tử, những người con trai còn lại đều phong tước hầu.” [3]

Vế trên nhắc về “truy tôn cha”, và sau đó là “mẹ”, thì đây rõ ràng là cha và mẹ đẻ của Lý Thái Tổ, không phải là cha nuôi như một số giả thuyết đã đề xuất, nếu là cha nuôi, thì sách chắc chắn đã ghi rõ.

Như vậy, về nguồn gốc triều Lý, thì ông là người Việt, có nguồn gốc tại vùng đồng bằng sông Hồng, cụ thể hơn là ở Cổ Pháp, hoàn toàn không đủ cơ sở để khẳng định ông gốc Mân hay gốc Trung Quốc, đây chỉ là một sự đồn đoán của người thời đó mà không có cơ sở nào từ các ghi chép lịch sử xác minh. Bên cạnh đó, thì Lý Thái Tổ cũng biết cha mình là ai, nên những ghi chép trong sách Đại Việt sử ký toàn thư về nguồn gốc Lý Công Uẩn là không có cơ sở.

b. Nguồn gốc triều Trần:

Đại Việt sử ký toàn thư chép về nguồn gốc triều Trần: “Trước kia, tổ tiên vua là người đất Mân (có người nói là người Quế Lâm), có người tên là Kinh đến ở hương Tức Mặc, phủ Thiên Trường, sinh ra Hấp, Hấp sinh ra Lý, Lý sinh ra Thừa, đời đời làm nghề đánh cá. Vua là con thứ của Thừa, mẹ họ Lê, sinh ngày 16 tháng 6 năm Mậu Dần, Kiến Gia thứ 8 triều Lý.” [4]

Trong ghi chép này, thì Đại Việt sử ký toàn thư chép về việc vua (Thái Tông) là người đất Mân, hay sách còn chú thêm: “có người nói là người Quế Lâm“, Quế Lâm thuộc Quảng Tây ngày nay, những ghi chép này khác với triều Lý, các chi tiết được chép lại khách quan hơn, nên đây là những thông tin có thể tin được.

Xét về thực tế lịch sử, thì cả hai vùng này đều là các vùng của cộng đồng tộc Việt trong lịch sử. Các bằng chứng lịch sử đã chứng minh về sự tồn tại của quốc gia chung của cộng đồng tộc Việt, chính là các quốc gia Xích Quỷ và Văn Lang, chúng tôi đã tiến hành chứng minh dựa trên các bằng chứng về di truyền, khảo cổ, lịch sử [5][6][7][8], tất cả các cơ sở đều cho thấy sự tồn tại của các quốc gia này trong lịch sử. Các vùng đất thuộc cộng đồng tộc Việt bị chiếm dần bởi các triều đại Hoa Hạ [6], nhưng các cư dân tại các vùng vẫn lưu giữ ý thức dân tộc rất mạnh mẽ.


Bản đồ mô phỏng nước Xích Quỷ, nước Văn Lang, trung tâm từng thời kỳ và các dòng di cư hình thành các quốc gia. [Ý tưởng và thực hiện: Lược Sử Tộc Việt, designer: Quốc Toản.]

Trong vùng phía nam Dương Tử, từ thời kỳ tộc Việt tồn tại cho tới tận ngày nay, thì vẫn còn nhiều dân tộc tách ra từ cộng đồng tộc Việt không chấp nhận sự đồng hóa của người Hán, lánh về các vùng xa xôi trung tâm để tránh sự cai trị và đồng hóa của các triều đình Hoa Hạ, cho nên hiện trạng ngày nay, chúng ta vẫn thấy được rất nhiều các dân tộc hiện vẫn còn là những dân tộc độc lập sinh sống trong vùng này. Nên nhà Trần có gốc Mân Việt hay Quế Lâm, thì cũng là cư dân có nguồn gốc từ cộng đồng tộc Việt trong lịch sử.

Tổ tiên nhà Trần được ghi chép rằng làm nghề chài lưới, đây cũng là một cách thức tách khỏi sự cai trị và đồng hóa của người Hoa Hạ, bảo tồn ý thức về văn hóa, nguồn gốc, sau đó đã lánh về Việt Nam, để trở về với người những người gần gũi về nguồn gốc với mình. Vì vậy nên không thể cho rằng nhà Trần có gốc Mân Việt tức là người Việt đã bị đồng hóa thành người Hán, hay là người Trung Quốc, mà là những người gần gũi về nguồn gốc dân tộc, văn hóa với người Việt. Các ghi chép lịch sử đã cho thấy triều đình nhà Trần cũng mang những đặc trưng văn hóa rất sâu sắc của người Việt.
Nguồn : Lược Sử Tộc Việt