Về mốc thời gian thành lập thành phố Sài Gòn
Trong dịp chuẩn bị kỷ niệm năm thành lập Thành phố Sài Gòn nay là Thành phố Hồ Chí Minh, theo tôi được đọc trên một số báo chí, thì cho đến nay, có 2 ý kiến lấy mốc thời gian khác nhau.
Ý kiến thứ nhất là của ông Nguyễn Duy Cách đăng trên báo Sài Gòn giải phóng Xuân Đinh Sửu và trong tạp chí Kiến thức ngày nay, số 236, đại ý như sau: Tổng thống Pháp ra sắc lệnh thành lập Thành phố Sài Gòn ngày 8-1-1877.
Ý kiến thứ nhất là của ông Nguyễn Duy Cách đăng trên báo Sài Gòn giải phóng Xuân Đinh Sửu và trong tạp chí Kiến thức ngày nay, số 236, đại ý như sau: Tổng thống Pháp ra sắc lệnh thành lập Thành phố Sài Gòn ngày 8-1-1877.
Ý kiến thứ hai của ông Nguyễn Đăng Sơn, giám đốc dự án quốc gia VIE 95-051 về việc nâng cao năng lực quản lý và qui hoạch đô thị tại Thành phố Hồ Chí Minh, đăng trên báo Sài Gòn giải phóng ngày thứ tư 19-2-1997 thì “có thể lấy mốc thời gian lập ra Thành phố Sài Gòn trước đây (nay là Thành phố Hồ Chí Minh) là từ năm 1698, khi xuất hiện huyện sở Tân Bình”. Theo ý kiến này thì đến năm 1998, thành phố Sài Gòn thành lập được 300 năm. Ý kiến này lấy việc xây dựng huyện sở làm căn cứ.
Vậy Thành phố Sài Gòn (nay là Thành phố Hồ Chí Minh) chính thức được thành lập năm nào? Căn cứ để định mốc thời gian nào là đúng và có còn mốc thời gian thành lập nào khác nữa không? Sao không thấy nói đến việc thành lập Phiên Trấn Gia Định thành?
Kể ra thì cũng có mốc thời gian khác nữa, chẳng hạn năm 1790 là năm mà Nguyễn Ánh quyết định biến Sài Gòn làm kinh đô, gọi là Gia Định kinh và cho làm đồ án để xây thành kiểu Vauban của Pháp. Nhưng trước năm 1790 thì Sài Gòn đã là một đô thị sầm uất từ lâu vì theo lời của Nguyễn Đình Đầu thì “các nhà nghiên cứu địa lý lịch sử xét thấy rằng Sài Gòn đã là “thành phổ” từ khi Nguyễn Cửu Đàm xây luỹ Bán Bích năm 1772, khi ấy thị trấn phố xá không phải mọc xung quanh một thành quách mà xung quanh một thương cảng và được bảo vệ bởi một vách thành dài 15 dặm” (Địa chí văn hoá Thành phố Hồ Chí Minh, tập I, Nxb. Thành phố Hồ Chí Minh, 1987, tr. 186.)
Vậy khi mà tổng thống Pháp ra sắc lệnh ngày 8-1-1877 thành lập “thành phố Sài Gòn” thì Sài Gòn đã là một thành phố từ lâu. Sắc lệnh này do đó chỉ có ý nghĩa và tác dụng trong phạm vi hệ thống hành chính mà thực dân Pháp đã thiết lập tại nước ta mà thôi. Và có lẽ nào dân Sài Gòn lại có thể coi đó là một vinh dự để lấy năm đó làm năm mốc mà kỷ niệm?
Minh họa : Xuân Lộc
Vì vậy mà chúng tôi tán thành ý kiến của Nguyễn Đình Đầu cho rằng “1698 là năm chúa Nguyễn cử Thống suất Nguyễn Hữu Cảnh (cũng đọc Kính) vào Nam kinh lược, (…) lấy đất Nông Nại làm phủ Gia Định, lập xứ Đồng Nai làm huyện Phước Long, dựng dinh Trấn Biên, lập xứ Sài Gòn làm huyện Tân Bình, dựng dinh Phiên Trấn; mỗi dinh đặt chức lưu thủ, cai bộ và ký lục để cai trị. Từ đây mới chính thức có chính quyền của chúa Nguyễn ở vùng đất mới bấy lâu nay do lưu dân Việt Nam tự động đến sinh sống khai hoang lập ấp và tự quản. Ta lấy năm 1698 làm mốc đầu tiên của Sài Gòn là vì vậy, vì từ đó mới có phủ sở Gia Định, huyện sở Tân Bình thuộc phủ Gia Định, từ đó xứ Sài Gòn mới chánh thức là đất Việt Nam và huyện sở, phủ sở đó không phải ở cô độc trên đổi Tân Khai ngó xuống sông Bến Nghé, mà ở giữa một nơi đô hội khá phồn thịnh được tạo lập từ nhiều chục năm rồi bởi hàng vạn lưu dân. Nói một cách khác, không phải Sài Gòn mới mọc lên từ 1698 mà trước 1698 đã có một sự phát triển chắc là lâu dài mà nhà làm sử phải tìm biết”. (Sdd, tr. 127-128.).
Cùng một quan niệm như trên, Trần Văn Giàu đã viết: “Như vậy, năm 1698, xứ Sài Gòn trở thành huyện Tân Bình, huyện sở đặt trên gò Tân Khai ngó xuống Bến Nghé. Đây cũng là trụ sở của dinh Phiên Trấn. Ta có thể lấy năm lập huyện Tân Bình, dinh Phiên Trấn làm năm khai sinh cho thành phố Sài Gòn, một điểm cư dân đã khá trù mật từ nhiều chục năm, cũng là một điểm thương mãi đang ở trong thế thịnh đạt.”