Triệu Đà là ai?

 Triệu Đà là ai?

 


 



Từ khi giành lại quyền tự chủ, các triều đại Việt đều đề cao vai trò lịch sử của Triệu Đà. Nhà Trần phong ông là Khai thiên thế đạo thánh vũ trần triết hoàng đế.

“Họ Triệu nhân lúc nhà Tần suy loạn, giết trưởng lại nhà Tần, chiếm giữ đất Lĩnh Nam xưng đế, đòi ngang với nhà Hán, hưởng nước truyền ngôi 100 năm mới mất, cũng là bậc anh hùng.” ( Trích Đại Việt Sử Ký Toàn Thư )




Sử gia Lê Văn Hưu nói:

“Thế mới biết, người giỏi trị nước không cứ đất rộng hay hẹp, người Hoa hay Di, chỉ xem ở đức mà thôi. Triệu Vũ Đế khai thác đất Việt ta mà tự làm đế trong nước, đối ngang với nhà Hán, gửi thư xưng là ‘lão phu,’ mở đầu cơ nghiệp đế vương cho nước ta, công ấy có thể nói là to lắm vậy.”

Trong “An Nam chí lược,” Lê Tắc viết:

“Triệu Đà làm vua Nam Việt, mới lấy thi lễ giáo hoá nhân dân một ít.” (1)
Điều này chứng tỏ Triệu Đà là người mang sự học đến nước ta từ trước chứ không phải Sĩ Nhiếp. Đến nhà Lê, 

trong “Bình Ngô đại cáo,” Nguyễn Trãi viết:

“Trải Triệu, Đinh, Lý, Trần nối đời dựng nước.”
Như vậy, Nguyễn Trãi thừa nhận Triệu Đà là ông vua đầu tiên của nước ta từ thời có sử.

Hàng ngàn năm, chính sử Việt Nam ghi nhận vai trò lịch sử lớn lao của nhà Triệu. Đến thế kỷ XVIII, Ngô Thì Sĩ (1726-1780) 

trong “Việt sử tiên án” viết:

“Nước ta bị nội thuộc vào nước Tàu từ đời Hán đến Đường, truy nguyên thủ hoạ cả Triệu Đà thì còn ai nữa? Huống chi Triệu Đà chia nước ta làm quận huyện, duy chỉ biết biên số thổ địa, thu thuế má, cung cấp ngọc bích cho nhà Hán, đầy túi tham của Lục giả thôi. Đến như việc xướng ra cơ nghiệp đế vướng trước tiên, tán tụng Triệu Đà có công to, Lê Văn Hưu sáng lập ra sử chép như thế, Ngô Sĩ Liên theo cách chép hẹp hòi ấy, không biết thay đổi, đến như bài Tổng luận sử của Lê Tung, Thơ vịnh sử của Đặng Minh Khiêm thay nhau mà tán tụng, cho Triệu Đà là bậc thánh đế của nước ta. Qua hàng nghìn năm mà không ai cải chính lại vì thế mà tôi phải biện bạch kỹ càng.” (2)

Cho đến nay, trong giới sử học, việc đánh giá Triệu Đà vẫn có hai luồng ý kiến ngược nhau. Là kẻ ngoại đạo không dám lạm bàn, chúng tôi chỉ xin lục ra một số tư liệu lịch sử hầu bạn đọc tham khảo.

Trong “Sử ký Tư Mã Thiên” viết:

“Vua Nam Việt họ Triệu tên là Đà, người huyện Chân Định, trước làm quan uý. Bấy giờ nhà Tần đã chiếm cả thiên hạ, cướp lấy đất Dương Việt, đặt ra các quận Quế Lâm, Nam Hải và Tượng Quận để đưa những người bị đầy đến ở lẫn với người Việt. Như thế đã mười ba năm. Khi nhà Tần bị tiêu diệt, Đà lập tức đánh chiếm lấy cả Quế Lâm, Tượng Quận, tự làm Nam Việt Vũ vương. Đà bèn tự tôn làm ‘Nam Việt Vũ đế,’ đem quân đánh các ấp ở biên giới quận Trường Sa. Đà nhân đó dùng uy lực uy hiếp biên giới, đem của cải đút lót các nước Mân Việt, Tây Âu Lạc để bắt họ lệ thuộc mình. Đất đai của Đà chiều ngang có hơn vạn dặm, Đà bèn đi xe mui lụa màu vàng, cắm cờ tả đạo, mệnh gọi là ‘chế’ chẳng kém gì Trung Quốc. Đến thời Hiếu Cảnh, Đà vẫn xưng thần, sai người vào chầu. Nhưng trong nước Nam Việt thì vẫn trộm xưng danh hiệu ‘đế’ như cũ; còn khi sai sứ sang thiên tử thì xưng ‘vương,’ triều kiến thỉnh mệnh như các chư hầu.”(3)


Triệu Đà làm vua 70 năm (từ 207 đến 137 TCN), tiếp đó cháu chắt ông truyền 4 đời trị vì 27 năm nữa, đến năm 111 TCN nước Nam Việt vào tay nhà Hán. Nhà Triệu kéo dài được 97 năm.


“Phủ Biên tạp lục” của Lê Quý Đôn ghi:

“Đem số hộ khẩu chép ở sách Hán chí mà so thì nước ta được ba quận Giao Chỉ, Cửu Chân, Nhật Nam, hơn 20 huyện, đời Hán số hộ cộng là 143.743 nhà, số khẩu cộng là 981.827 người. Thông tính cả hai tỉnh ấy (Quảng Đông, Quảng Tây) ở đời Hán số hộ chỉ là 71.805 nhà, khẩu chỉ là 389.672 người. Như thế nước ta ở đời Hán thì số hộ gấp đôi mà số khẩu gần gấp ba.” (4)

Như vậy, vào năm 220 TCN, nhà Tần chiếm đất của người Việt ở phía Nam sông Dương Tử, và đưa những tội nhân người Hán đến ở chung với người Việt để thực hiện ý đồ lấn đất. Do nhà Tần sụp đổ, thiên hạ đại loạn tạo cơ hội cho Triệu Đà cát cứ. Tuy xưng vương ở Phiên Ngung nhưng số dân của Triệu ít. Trong khi đó ở phía Nam, nước Âu Lạc của An Dương Vương khá mạnh, số dân gần gấp 3 số dân của Triệu. Bên cạnh Âu Lạc còn có các nước Mân Tiệp, Tây Âu Lạc luôn tranh chấp. Nước Âu Lạc tuy lớn nhất trong khu vực nhưng cũng quá nhỏ so với nhà nước phương Bắc. Nếu nhà Tần không sụp đổ đúng thời điểm đó, có nhiều khả năng tằm ăn dâu, nhà Tần sẽ thôn tính đất Nam Việt. Một khả năng khác: trong cuộc chinh phạt Nam Việt trị tội Triệu Đà xưng đế, nếu tướng Lâm Lư hầu thắng, nhà Hán chiếm Nam Việt ngay lúc đó, có phần chắc Nam Việt cũng bị đồng hoá như các dòng Bách Việt khác. Khả năng thứ ba: nếu Triệu Đà theo nhà Hán, sau khi thôn tính Âu Lạc, sáp nhập Nam Việt vào Hán thì có phần chắc là Nam Việt bị xoá sổ trên bản đồ.

Nhìn vào thực tế nước Âu Lạc của Thục Phán, ta thấy, “Tục Pắn” (tên Việt của Thục Phán) là người Ba Thục trốn chạy nhà Tần đến nương nhờ Lạc Việt, đã chiếm ngôi của vua Hùng, lập nên Âu Lạc. Ban đầu Tục Pắn bị xem là kẻ thoán đoạt cướp ngôi nên bị người Lạc Việt chống lại (sự tích xây Thành Cổ Loa bị đổ). Nhưng rồi sau đó do chính sách cai trị khôn ngoan, nhất là sau hai lần đánh thắng Triệu Đà, đã được nhân dân tín nhiệm. Về cuối đời do mất cảnh giác nên bị Triệu Đà dùng mưu thôn tính. Đúng là Triệu Đà dùng thủ đoạn chiếm nước Âu Lạc nhưng ý nghĩa của sự kiện lịch sử này cần phải bàn. Thời đó, sự liên kết trong mỗi quốc gia còn lỏng lẻo và biên giới từng quốc gia chưa ổn định, đang trong xu hướng sáp nhập tập trung thành những quốc gia đủ mạnh để tồn tại. Việc thôn tính các nước Sở, Ngô, Việt… để thành nước Tần không phải là hành động xâm lược mà là công lớn thống nhất đất nước.

Tương tự như vậy, việc Triệu Đà chiếm Âu Lạc cũng không thể coi là cuộc xâm lược mà là hành động thống nhất những nhóm, những tiểu quốc người Việt lại thành một nước Việt lớn hơn, ngăn chặn hành động thông tính của kẻ mạnh ở phương Bắc. Điều quan trọng là họ Triệu đã duy trì được nước Nam Việt thống nhất trong gần một thế kỷ, vừa xây dựng trong hoà bình vừa kiên cường chống ngoại xâm. Chính điều này đã tạo nên và củng cố tinh thần quốc gia của người Việt. Đây là di sản quý báu nhất họ Triệu để lại cho người Việt.

Chính gần một thế kỷ tồn tại của quốc gia Nam Việt giúp cho người Lạc Việt không bị người Hán đồng hoá và sau này có dịp lại vùng lên trong khởi nghĩa Hai Bà Trưng. Năm 43 khi Hai Bà Trưng dựng cờ khởi nghĩa, nhân dân Nam Việt cũ từ miền Trung, miền Bắc Việt nam đến vùng Lưỡng Quảng sang tận Hải Nam đều hưởng ứng, trong khi Vân Nam không có động tĩnh gì… Sau này, khi qua khảo sát ở vùng đất phía Nam Trung Quốc, bác sĩ Trần Đại Sĩ thống kê được 200 địa điểm có đền thờ Hai Bà Trưng. Không thể có việc này nếu không có thời kỳ Nam Việt.

Ngày nay, theo công pháp quốc tế, Triệu Đà tuy là người gốc Hán nhưng đã lấy vợ Việt, sống theo phong tục Việt, cai trị nước Việt thời gian ngón trăm năm: cai trị bằng tập tục, bằng luật pháp Việt Nam, bằng các quan lại người Việt trong một quốc gia độc lập không hề phụ thuộc phương Bắc. Điều này càng chứng tỏ ông là vị vua hợp pháp của một quốc gia độc lập. Nếu không có may mắn một trăm năm Nam Việt ấy, dám chắc người Hán sẽ diệt tiểu quốc của Triệu Đà sau đó thôn tính Âu Lạc, tộc Lạc Việt đã bị mất hút trong lịch sử như những dòng Việt anh em khác!

Các sử gia như Lê Văn Hưu, Ngô Sĩ Liên… đã nhìn nhận công bằng và Nguyễn Trãi đánh giá họ Triệu một cách chuẩn mực. 

Sử gia Ngô Thì Sĩ khi viết:

“Triệu Đà chia nước ta làm quận huyện, duy chỉ biết biến số thổ địa, thu thuế má, cung cấp ngọc bích cho nhà Hán, đầy túi tham của Lục Giả” đã tỏ ra bất cập.

So với quốc gia còn trong tình trạng sơ khai với những lạc hầu lạc tướng cai quản từng bộ lạc thì một quốc gia có quận huyện, biên số thổ địa là bước nhảy vọt về tổ chức hành chính, về khoa học quản lý xã hội. Còn nói “thu thuế má cung cấp ngọc bích cho nhà Hán” cũng không đúng. Suốt 70 năm Triệu Đà làm vua, quan hệ Việt Hán khá lỏng lẻo. Biết Triệu vương xưng đế mà nhà Hán đành chịu, không những thế còn phải lấy lòng bằng cách giữ gìn mồ mả tổ tiên của Triệu, cho thân nhân Triệu là quan (Sử ký). Trong mối quan hệ như vậy, cống phẩm của Triệu Đà chỉ có nghĩa tượng trưng để xác nhận sự thần phục trên danh nghĩa nên không thể làm đầy cái túi tham của Lục Giả, không thể so sánh với việc cống người vàng, thời Trần-Lê. Thêm nữa, nói đầy túi tham của Lục Giả rất có thể là suy luận võ đoán. Là sứ giả của Hán Vũ đế nhưng Lục sinh là trí thức lớn, một nhân cách lớn. Không chỉ lớn trong cách ứng xử với Triệu Đà mà sách sử còn truyền câu nói nổi tiếng của ông: “Vương giả dĩ dân vi thiên, dân dĩ thực vi thiên.” (Vua lấy dân làm trời, dân lấy ăn làm trời). Con người như vậy hoàn toàn không phải là Mã Viện với những xe “ý dĩ” tiếng để đời.

Rõ ràng, chứng lý đưa ra để kết tội Triệu Đà là không thuyết phục. Nhưng vì sao Ngô Thì Sĩ lại có cái nhìn thiếu chuẩn mực như vậy? Chỉ có thể là, với tinh thần tự tôn dân tộc, ông không chịu một ông vua Hán tộc! Trong lịch sử thế giới, một người nước này làm vua nước khác không hiếm. Ngay bên chúng ta, tới cuối thế kỷ XVIII, vua nước Xiêm là một người Trung Quốc tên Trịnh Quốc Anh từng kéo quân sang đánh Hà Tiên. Còn với chúng ta thì đúng Triệu Đà là người Hán nhưng dân Nam Việt lúc đó hầu hết là người Việt, vì vậy không thể phủ nhận việc ông là vị vua đầu tiên của nước Nam Việt, ông vua khai sáng của Việt Nam chúng ta. Mặt khác, vợ ông là Trình Thị người Đường Thâm bộ Giao Chỉ (nay là Đồng Xâm, Thái Bình) nên con ông, Trọng Thủy ít nhất có nửa phần máu Việt, còn cháu ông là Triệu Hồ cũng mang dòng máu Việt, đến Anh Tề, phần máu Việt cao hơn. Họ Triệu chẳng những có công khai sáng Nam Việt mà ngày càng gắn bó bằng tâm hồn bằng máu huyết với Tổ quốc mới của mình!

Chúng tôi, thế hệ sinh cùng thời “Cách mạng Tháng Tám (?),” những ngày sau hoà bình lập lại 1945, học sử Việt Nam, được dạy Triệu Đà là ông vua khai sáng nước Việt. Nhưng ít năm sau, Triệu Đà trở nên tên xâm lược, bị lên án trong sách sử. Đường phố mang tên ông bị đổi tên, đền thờ ông ở Đồng Xâm, ngôi đền lớn và đẹp vào loại nhất ở Bắc bộ bị trưng dụng làm kho chứa thóc, hư hại cùng năm tháng. Gần đây lễ hội đền Đồng Xâm được mở lại nhưng đó là lễ hội ông tổ nghề chạm bạc! Có một nỗi bất bình âm thầm trong lòng người chưa được giải toả.

Một câu hỏi cần phải trả lời: Triệu Đà là ai? Người Tàu không nhận ông là Tàu vì ông là Nam Việt hiệu uý. Còn với người Việt ông bị coi là giặc xâm lược! Vậy ông là ai?

Ruột bỏ ra da ôm lấy từng là nỗi đau của bao người. Mồ cha không khóc lại khóc đống mối từng là bi kịch của không ít gia đình, dòng họ… Nhưng vì những lầm lẫn mà chối bỏ người khai sáng quốc gia, chối bỏ cả thời đại quan trọng trong lịch sử lại là nỗi đau nỗi nhục của cả một dân tộc! Đã đến lúc vụ án Triệu Đà – Trọng Thuỷ phải được tính lại.

Sách tham khảo
1-Lê Tắc, “An Nam chí lược.” Bản diện tử Lê Bắc.
2-Ngô Thì Sỹ, “Việt sử tiêu án.” Văn sử tái bản năm 1991. Bản diện tử Lê Bắc trang 10.
3-Sử ký Tư Mã Thiên, NXB Văn học H. 1988, tr. 743.
4-Phủ Biên tạp lục NXB KHXH H 1977, tr 31.

Sưu tầm :