Nguồn gốc đầu tiên bài Quốc Ca Việt Nam Cộng Hòa

 Nguồn gốc đầu tiên bài Quốc Ca Việt Nam Cộng Hòa 

Từ “Quấc dân hành khúc” đến "Sinh viên hành khúc” cuối cùng là "Tiếng gọi Thanh Niên"

Theo học giả Nguyễn-Ngu-Í : Nguồn gốc đầu tiên của bài quốc ca VNCH là bài “Quấc dân hành khúc” do Lưu Hữu Phước, người Cần Thơ (Nam phần), sinh viên Đại học Hà Nội, sáng tác vào giữa năm 1941 tại Hà Nội. (Chữ “Quấc” viết với chữ “â”.)

Nguyễn-Ngu-Í (1921-1979) là người đồng thời với Lưu Hữu Phước (1921-1989), đã từng làm việc chung với Lưu Hữu Phước tại Hà Nội vào giữa năm 1946. Nhờ vậy, chắc chắn Nguyễn-Ngu-Í đã nghe Lưu Hữu Phước kể lại đầy đủ lai lịch và những thay đổi của bài “Quấc dân hành khúc”.

Chẳng những thế, sống tại Hà Nội, Nguyễn-Ngu-Í có thể cũng đã được nghe cả những sinh viên Hà Nội lúc đó, kể chuyện về hoàn cảnh xuất hiện và những thay đổi của bản “Quấc dân hành khúc”. Vì vậy, hy vọng nguồn tin của Nguyễn-Ngu-Í về bản nhạc nầy là khả tín













                                            Nguyễn Ngu Í và Lưu Hữu Phước

Cũng theo Nguyễn-Ngu-Í, bản nhạc nầy được chính tác giả Lưu Hữu Phước đổi tên thành “Sinh viên hành khúc” vào cuối năm 1941. Tại đại học Hà Nội, ngoài sinh viên Việt, còn có sinh viên Lào, Cao Miên và cả người Pháp nữa, nên hai sinh viên Mai Văn Bộ và Nguyễn Thành Nguyên đặt thêm lời Pháp. Bài hát bằng tiếng Pháp có tên là “La marche des étudiants”. Vua Cao Miên lúc đó là Norodom Sihanouk rất thích bản nhạc bằng tiếng Pháp nầy.

Qua đầu năm 1942, Tổng hội sinh viên Đại học Hà Nội muốn có một bản hành khúc cho riêng sinh viên đại học, nên với sự đồng ý của sinh viên Lưu Hữu Phước, Tổng hội đã mở cuộc thi đặt lời cho bản nhạc của Lưu Hữu Phước.

Hai sinh viên Trường Thuốc (Y khoa) trúng giải là Lê Khắc Thiền (nhứt) và Đặng Ngọc Tốt (nhì). Lời hai bài trúng giải hợp lại cùng với điệp khúc của bài “Sinh viên hành khúc”, thành bản “Tiếng gọi sinh viên”, bài hát chính thức của Đại học Hà Nội.

Bài hát “Tiếng gọi sinh viên” nhanh chóng được truyền tụng trong giới sinh viên, học sinh và phổ biến rộng rãi ra ngoài khuôn viên trường học. Thanh niên các giới say sưa hát bản nhạc nầy, và tự ý đổi hai chữ “sinh viên” bằng hai chữ “thanh niên”, cho phù hợp với khung cảnh xã hội bên ngoài học đường.

Dưới thời chính phủ Trần Trọng Kim từ tháng 4 đến tháng 8-1945, đoàn Thanh Niên Tiền Phong ở Nam kỳ do bác sĩ Phạm Ngọc Thạch lãnh đạo, chọn bài “Tiếng gọi thanh niên” làm đoàn ca của đoàn. (Bác sĩ Nguyễn Lưu Viên, “Những kỷ niệm với bài quốc ca của Việt Nam Cộng Hòa”.




Năm 1945, mặt trận Việt Minh, tổ chức ngoại vi của đảng Cộng Sản Đông Dương cướp chính quyền và lập ra nhà nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa ngày 2-9-1945. Quốc ca của chế độ cộng sản là bản “Tiến quân ca” do Văn Cao sáng tác. Lúc đầu, bài hát nầy có câu rất sắt máu: “…Thề phanh thây uống máu quân thù…”. Ngày nay được đổi thành “…Vì nhân dân chiến đấu không ngừng…”

Chiến tranh Việt Minh-Pháp bùng nổ tối 19-12-1946. Trong lúc chiến tranh xảy ra, Việt Minh cộng sản tiếp tục thi hành kế hoạch giết tiềm lực, tiêu diệt tất cả những thành phần theo chủ trương quốc gia dân tộc, không theo Việt Minh. Những thành phần nầy bị dồn vào thế phải quy tụ chung quanh cựu hoàng Bảo Đại, và vì sống còn, chẳng đặng đừng liên kết với Pháp chống Viêt Minh. Mặt khác, Pháp chiếm các thành phố và vùng phụ cận, đánh đuổi Việt Minh chạy về nông thôn, hay lên rừng núi. Pháp cần tổ chức hành chánh ở những vùng Pháp chiếm được, nên cần một giải pháp chính trị mới. Vì vậy, Pháp cũng muốn nói chuyện với cựu hoàng Bảo Đại.

Do nhu cầu từ cả hai phía, phía những nhà chính trị theo chủ trương dân tộc và phía Pháp muốn thiết lập một cơ chế hành chánh mới, cao ủy Pháp Emile Bollaert tại Đông Dương mời cựu hoàng Bảo Đại hội kiến ngày 6-12-1947, trên chiến hạm Duguay Trouin, thả neo trong vịnh Hạ Long, để tìm kiếm một giải pháp chính trị cho tình hình lúc bấy giờ. Hai bên đi đến thông cáo chung là sẽ cùng nhau thương thuyết để Pháp trao trả độc lập cho Việt Nam.

Mở đầu cuộc vận động, cựu hoàng Bảo Đại qua Pháp tiếp tục thương thuyết. Khi về lại Hồng Kông, cựu hoàng thảo luận thêm với các chính khách quốc gia và giao cho thiếu tướng Nguyễn Văn Xuân thành lập chính phủ trung ương lâm thời, nhằm thảo luận với Pháp một tạm ước về thống nhất đất nước. Nguyễn Văn Xuân đã từng được Hồ Chí Minh mời vào chính phủ đầu tiên năm 1945, nhưng ông Xuân từ chối.

Đối đầu với Việt Minh cộng sản, thiếu tướng Nguyễn Văn Xuân thành lập chính phủ Trung ương Lâm thời Việt Nam tại Sài Gòn ngày 1-6-1948, ban hành “Pháp quy tạm thời” (Statut Provisoire), chọn bài “Tiếng gọi thanh niên” làm quốc ca. (Trần Văn Đôn, Việt Nam nhân chứng, California: Nxb. Xuân Thu, 1989, tr. 75.) Bản quốc ca bắt đầu bằng câu “Này thanh niên ơi…” (Hỏi chuyện tại Montreal ngày 2-12-2017 bác sĩ Từ Uyên, tú tài năm 1951 và giáo sư Bùi Tiến Rủng, tú tài năm 1953. Cả hai ông lúc đó là sinh viên Đại học Hà Nội, thuộc lòng bản quốc ca nầy. Hai ông xác nhận quốc ca lúc đó bắt đầu bằng câu: “Này thanh niên ơi…”)

Sau chính phủ Trung ương Lâm thời, cựu hoàng Bảo Đại tiếp tục thương thuyết và ký kết tại Paris với tổng thống Pháp là Vincent Auriol hiệp định Élysée ngày 8-3-1949, đưa đến việc thành lập chính thể Quốc Gia Việt Nam do Bảo Đại làm quốc trưởng, chống Việt Minh cộng sản.

Chính thể Quốc Gia Việt Nam cũng dùng bài “Tiếng gọi thanh niên” làm quốc ca. Hiệp định Genève ngày 20-7-1954 chia hai đất nước ở vĩ tuyến 17. Chính thể Quốc Gia Việt Nam cai trị miền Nam Việt Nam. Lúc đó, quốc trưởng Bảo Đại bổ nhiệm Ngô Đình Diệm làm thủ tướng. Ông Diệm nhậm chức ngày 7-7-1954 (Ngày Song thất). Sau khi ổn định tình hình, thủ tướng Diệm tổ chức trưng cầu dân ý ngày 23-10-1955. Kết quả quốc trưởng Bảo Đại bị lật đổ, thủ tướng Ngô Đình Diệm lên làm tổng thống, đổi Quốc Gia Việt Nam thành Việt Nam Cộng Hòa.

Quốc hội Lập hiến Việt Nam Cộng Hòa được bầu ngày 4-3-1956. Trong khi soạn thảo hiến pháp, Quốc hội dự tính tuyển chọn quốc kỳ và quốc ca cho chính thể mới, nhưng chưa chọn được lá cờ và bản nhạc nào ưng ý, nên ngày 31-7-1956, Quốc hội quyết định giữ quốc kỳ và quốc ca cũ. (Đoàn Thêm, Hai mươi năm qua, California, Nxb. Xuân Thu tái bản, không đề năm, tr. 200.)

Bản quốc ca “Tiếng gọi thanh niên” được đổi thành "Tiếng gọi công dân", và mở đầu bằng câu: “Này công dân ơi! Quốc gia đến ngày giải phóng…” Đồng thời thay đổi khá nhiều lời so với bài “Tiếng gọi thanh nhiên”. (Những người lớn tuổi, nhứt là những vị di cư sau hiệp định Genève, cho biết sau khi vào Nam Việt Nam năm 1954 một thời gian, thì mới có bài “Tiếng gọi công dân.)

Sau đó, Quốc hội lập hiến mở cuộc thi vẽ quốc kỳ và thi sáng tác quốc ca. Có tất cả 350 mẩu cờ và 50 bản nhạc được đề nghị. Ngày 17-10-1956, một lần nữa, Quốc hội lập hiến tuyên bố không chọn được bản quốc ca hay quốc kỳ mới, và quyết định giữ nguyên quốc kỳ và quốc ca cũ làm biểu tương. (Đoàn Thêm, sđd. tr. 203.) Sau đây là nguyên văn lời bản "Tiếng gọi công dân" thời Việt Nam Cộng Hòa:

Này công dân ơi! Quốc gia đến ngày giải phóng
Đồng lòng cùng đi hy sinh tiếc gì thân sống.
Vì tương lai quốc dân, cùng xông pha khói tên,
Làm sao cho núi sông, từ nay luôn vững bền.

Dù cho thây phơi trên gươm giáo,
Thù nước, lấy máu đào đem báo.
Nòi giống lúc biến phải cần giải nguy,
Người công dân luôn vững bền tâm trí.
Hùng tráng quyết chiến đấu làm cho khắp nơi
Vang tiếng người nước Nam cho đến muôn đời!

Công dân ơi! Mau hiến thân dưới cờ!
Công dân ơi! Mau làm cho cõi bờ
Thoát cơn tàn phá, vẻ vang nòi giống
Xứng danh nghìn năm giòng giống Lạc Hồng!

Như thế, bài hát “Quấc dân hành khúc” xuất hiện giữa năm 1941, đổi thành “Sinh viên hành khúc” cuối năm 1941, rồi “Tiếng gọi sinh viên” đầu năm 1942. Lúc đó, tinh thần yêu nước của dân chúng trên toàn quốc dâng lên rất cao sau cuộc khởi nghĩa của Việt Nam Quốc Dân Đảng năm 1930. Nhạc sĩ Lưu Hữu Phước và hai tác giả đặt lời là Lê Khắc Thiền và Đặng Ngọc Tốt là những sinh viên yêu nước, sáng tác bản nhạc nầy trong tinh thần yêu nước dạt dào, và chưa theo phong trào Việt Minh cộng sản.

Năm 1945, Lưu Hữu Phước cũng như một số thanh niên khác, vì lòng yêu nước, nghe theo lời phỉnh gạt, gia nhập phong trào Việt Minh, sinh hoạt trong ngành văn hóa, nghệ thuật, tuyên truyền. Vì thuộc thành phần trí thức tiểu tư sản miền Nam, Lưu Hữu Phước không được cộng sản trọng dụng, cũng chẳng giữ một chức vụ gì quan trọng dưới chế độ cộng sản ở Bắc Việt Nan sau hiệp định Genève năm 1954.

Trong chiến tranh 1954-1975, do nhu cầu tuyên truyền và lôi kéo dân chúng Nam Việt Nam, cộng sản Bắc Việt Nam đề cử Lưu Hữu Phước đảm nhiệm chức vụ bộ trưởng bộ Thông tin Văn hóa năm 1965 trong chính phủ Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam, một công cụ bù nhìn để tuyên truyền của đảng Cộng Sản, gồm những người gốc miền Nam, kể cả những người không vào đảng Cộng Sản.

Sau năm 1975, “được chim bẻ ná, được cá đá lờ”, đảng Cộng Sản (lúc đó còn tên là đảng Lao Động) giải tán ngay mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam, trong đó có bộ trưởng Lưu Hữu Phước. Suốt đời Lưu Hữu Phước bị đảng cộng sản lợi dụng, làm con cờ tuyên truyền, chỉ được cộng sản giao cho làm công tác văn nghệ, tức chỉ làm văn công cho cộng sản mà thôi.

Cần chú ý đến các điểm trên đây để thấy rằng bản nhạc được dùng làm quốc ca Quốc Gia Việt Nam từ năm 1948, rồi quốc ca Viêt Nam Cộng Hòa từ sau năm 1954, là tâm huyết của những sinh viên yêu nước vào những năm 1941, 1942, chứ lúc đó những tác giả nầy không phải là những người theo cộng sản.

Năm 1975, Việt Nam Cộng Hòa bị cộng sản tạm thời cưỡng chiếm. Bản quốc ca “Tiếng gọi công dân" và lá Cờ Vàng Ba Sọc Đỏ cùng với người Việt di tản ra hải ngoại, được hát vang khắp nơi trên thế giới. Chẳng những thế, ngày nay bản quốc ca nầy cùng với lá Cờ Vàng bắt đầu sống lại ở trong nước, chẳng những ở Nam Việt Nam mà cả ở Bắc Việt Nam, như là biểu tượng của tự do dân chủ mà toàn dân Việt Nam đang khao khát.

Xin kính mời quý vị đồng hương Toronto và vùng phụ cận tham dự đông đảo LỄ CHÀO CỜ VIỆT NAM CỘNG HÒA vào lúc 12 giờ trưa THỨ BẢY 28-4-2018 tại City Hall Toronto trong buổi Tưởng niệm Quốc hận năm nay, và cùng nhau hát bản quốc ca yêu quý và thiêng liêng của chúng ta.

Sinh Viên Hành Khúc

I. Này sinh viên ơi! Ðứng lên đáp lời sông núi!

Ðồng lòng cùng đi, đi, mở đường khai lối.

Vì non sông nước xưa, truyền muôn năm chớ quên,

Nào anh em Bắc Nam! Cùng nhau ta kết đoàn!

Hồn thanh xuân như gương trong sáng,

Ðừng tiếc máu nóng, tài xin ráng!

Thời khó, thế khó, khó làm yếu ta,

Dầu muôn chông gai vững lòng chi sá.

Ðường mới kíp phóng mắt nhìn xa bốn phương,

Tung cánh hồn thiếu niên ai đó can trường.

(Ðiệp khúc)

Sinh viên ơi! Ta quyết đi đến cùng!

Sinh viên ơi! Ta thề đem hết lòng!

Tiến lên đồng tiến! Vẻ vang đời sống!

Chớ quên rằng ta là giống Lạc Hồng!

 

II. Này sinh viên ơi! Dấu xưa vết còn chưa xoá!

Hùng cường trời Nam, ghi trên bảng vàng bia đá!

Lùa quân Chiêm nát tan, thành công Nam tiến luôn,

Bình bao phen Tống Nguyên, từng ca câu khải hoàn.

Hồ Tây tranh phong oai son phấn,

Lừng tiếng Sát Thát Trần Quốc Tuấn.

Mài kiếm cứu nước nhớ người núi Lam,

Trừ Thanh, Quang Trung giết hằng bao đám.

Nòi giống có khí phách từ xưa chớ quên,

Mong đến ngày vẻ vang, ta thắp hương nguyền.

(Trở lại điệp khúc)

 

III. Này sinh viên ơi! Muốn đi đến ngày tươi sáng,

Hành trình còn xa, chúng ta phải cùng nhau gắng!

Ngày xưa ai biết đem tài cao cho núi sông,

Ngày nay ta cũng đem lòng son cho giống dòng.

Là sinh viên vun cây văn hoá,

Từ trước sẵn có nhiều hoa lá.

Ðời mới kiến thiết đáp lòng những ai

Hằng mong ta ra vững cầm tay lái.

Bền chí quyết cố gắng làm cho khắp nơi

Vang tiếng người nước Nam cho đến muôn đời!

(Trở lại điệp khúc)


Sưu tầm :