Lịch sử Bưu điện Việt Nam: Hành trình từ thời Nguyễn đến thời Pháp thuộc

Lịch sử Bưu điện Việt Nam: Hành trình từ thời Nguyễn đến thời Pháp thuộc

 Năm 1802, Bưu chính Việt Nam lần đầu tiên được thành lập nằm trong Bộ Lại của triều đình nhà Nguyễn.


Thời Nguyễn các công văn, giấy tờ được vận chuyển bằng ngựa và các phương tiện thô sơ tới các trạm được xây dựng cách nhau khoảng 25-30 km.

Bưu chính Việt Nam có tên từ thời Nguyễn

Từ thời vua Hùng dựng nước đến thời Hai bà Trưng, bà Triệu, Đinh, Lý, Trần, Lê, Nguyễn đều sử dụng thông tin liên lạc bằng nhiều loại hình khác nhau. Đến đầu năm 1802, Bưu chính Việt Nam lần đầu tiên được thành lập dưới triều nhà Nguyễn. Về mặt quản lý nhà nước, đây là cơ quan thứ bộ, nằm trong bộ Lại của triều đình nhà Nguyễn

Trong triều đình nhà Nguyễn có 6 bộ. Tên của ngành Bưu chính là Thống Chảnh sứ ty với cấp hàm là Tam phẩm, dưới cấp này là cấp Viên ngoại lang mang hàm Ngũ phẩm. Tiếp đến cấp Chủ sự mang hàm Lục phẩm và đến cấp Tư vụ mang hàm Thất phẩm. Xuống cấp dưới là Thư lại mang hàm Bát phẩm và Thư lại loại nhì mang hàm Cửu phẩm. Trong bộ máy quản lý kể trên còn có 10 thư lại chưa được vào trong ngạch "phẩm" nói trên.

Trên đây là bộ máy quản lý của bưu chính, còn lại là tổ chức phục vụ để chuyển nhận thư từ. Mạng lưới bưu chính thời Nguyễn được bố trí trên toàn quốc và được chia ra làm nhiều trạm cách nhau khoảng 25-30 km. Lúc đó, phương tiện vận chuyển là ngựa, thuyền. Thời kỳ đó, bưu chính sử dụng các chiếu chỉ, cờ hiệu, ưu tiên đi đường, qua đò, vượt chướng ngại để phu trạm đạt được tốc độ vận chuyển nhanh nhất. Các trạm đều được cấp ngựa để vận chuyển. Riêng một số trạm trên đường Bắc - Nam được cấp 2 ngựa, cả chiều đi và về.

Nhà của trạm được xây dựng 3 gian, 2 chái do Bộ Công chính nhà Nguyễn quy định. Trước nhà trạm có biển tên trạm, chữ được sơn son thếp vàng. Giữa sân có cột cờ treo cả đêm ngày, xung quanh có tường rào, 4 góc có làm 4 bốt gác chòi canh. Mỗi trạm có một cái kèn đồng, khi chạy hoả tốc hễ nghe tiếng kèn đồng thì mọi người phải đứng ra bên lề đường. Trên đường đi, ngựa phi giữa đường ai không tránh kịp bị ngựa giẫm phải dẫn tới bị thương hoặc bị chết thì phu trạm vô tội.

Một số trạm trên đường Bắc - Nam được cấp 2 ngựa, cả chiều đi và về.

Ngày 14/11/1901, thực dân Pháp ở Đông Dương tổ chức lại hệ thống dọc bưu điện nhằm phù hợp với bộ máy cai trị của chúng. Bưu điện Đông Dương có 1 tổng giám đốc Nha cai quản do Toàn quyền Đông Dương bổ nhiệm. Dưới tổng giám đốc Nha có 5 chánh sở khu phụ trách, có 1 phụ tá là chủ sự kế toán lo quản lý chứng từ. Dưới Chánh sở khu là Chủ sự bưu điện tỉnh thành, các huyện là Thư lại, có phu trạm, tá dịch đi phát thư đến tận gia đình.

Đến năm 1904 tổ chức thông tin vô tuyến điện được thành lập 3 sở, đầu năm 1906 lại được hợp nhất vào với Bưu điện để thành lập Nha Bưu điện - Vô tuyến điện.

Thông tin liên lạc phục vụ cách mạng

Năm 1925, Việt Nam Thanh niên Cách mạng Đồng chí hội được thành lập. Đồng chí Nguyễn Ái Quốc đã cho lập các đường dây liên lạc thuỷ, bộ, giữa Quảng Châu về Việt Nam để đưa thanh niên trong nước sang huấn luyện đào tạo tinh thần yêu nước và chủ nghĩa Mác - Lê nin. Đồng chí Nguyễn Lương Bằng được đồng chí Nguyễn Ái Quốc chọn làm giao thông viên đầu tiên; đồng chí Nguyễn Công Thu được chọn làm giao liên tuyến đường bộ từ Quảng Châu về Lạng Sơn, Hà Nội, để đưa tài liệu sách báo về trong nước; đồng chí Trần Bảo chịu trách nhiệm đường Hà Nội - Hải Phòng - Móng Cái; đồng chí Nguyễn Thị Nghĩa đoạn Hà Nội - Vinh; đồng chí Hoàng Thị Ái đoạn Vinh - Huế - Đà Nẵng và đồng chí Dương Quang Đông phụ trách cả mảng Nam Bộ và Nam Trung Bộ.

Ba trung tâm Hà Nội, Vinh, Sài Gòn được xem như 3 tổng trạm liên lạc của cả nước. Lúc bấy giờ, phong trào cách mạng ngày càng phát triển nhanh. Tổ chức giao liên hết lớp này đến lớp khác kế tục nhau, giữ vững đường thư cho đến khi tổng khởi nghĩa Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công.

(Theo tư liệu của ông Hoàng Bạn, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Bưu điện)