Cuốn sách cổ quý giá về “Kỹ thuật của người An Nam”


Cuốn sách cổ quý giá về “Kỹ thuật của người An Nam”

Cuốn sách "Kỹ thuật của người An Nam" có từ năm 1909 và hiện chỉ có 3 bản tại Việt Nam.

Kỹ thuật của người An Nam (Technique du peuple Annamite hay Mechanics and crafts of the Annamites) là một cuốn sách in theo lối in tranh mộc bản (in một mặt) gồm 348 tờ giấy dó, khổ lớn (62cmx44cm; dày 5,4cm), ghi lại cảnh sinh hoạt, lao động hàng ngày của người Việt Nam ở vùng đồng bằng Bắc Bộ vào đầu thế kỷ XX.

Công trình này đã được ông Henri Oger (lúc đó mới hơn 20 tuổi) cùng một số họa sĩ, thợ khắc mộc bản, thợ in thực hiện từ năm 1908 đến 1909 tại Hà Thành. Trong khoảng 20 tháng, Henri Oger cùng một số họa sĩ người Việt khảo sát nhiều nơi tại các vùng ngoại thành Hà Nội và khu vực 36 phố phường để vẽ hơn 4.200 hình vẽ với nhiều chủ đề khác nhau mà họ đã bắt gặp.

Quan sát tỉ mỉ, họ đã kịp ghi nhận được rất nhiều tiểu tiết của cuộc sống bằng một góc nhìn trung thực. Các bản vẽ trước khi chuyển cho thợ khắc mộc bản, Henri đã nhờ người dân kiểm tra lại, khi nhận được sự đồng thuận thì mới cho khắc, có phụ đề chữ Nôm rồi in thành tranh mộc bản. Mỗi hình vẽ thường có 2 phần: phần hình họa và phần chữ Nôm để chú thích.



Vì hạn chế về mặt tài chính nên Henri Oger chỉ cho in được 60 bản tại một hiệu do chính mình làm chủ ở phố Hàng Gai. Sau thời Pháp thuộc, cuốn Kỹ thuật của người An Nam chỉ còn lưu lại tại việt Nam 3 bản: bản thứ nhất, không hoàn chỉnh tại Thư viện Quốc gia Việt Nam ở Hà Nội; bản thứ hai được bảo quản tương đối tốt tại Viện Khảo cổ (thời Việt Nam Cộng hòa), tức Thư viện Khoa học Tổng hợp TPHCM ngày nay. Và một bản khác tại Tổng lãnh sự quán Hà Lan tại Hà Nội. Bản sách được tiếp nhận và trưng bày lần này là một bản gốc hoàn chỉnh và có lẽ là bản thứ tư có mặt ở Việt Nam hiện nay.

Trong cuốn sách, tuy những hình ảnh kể chuyện đơn giản nhưng lại ẩn chứa rất nhiều yếu tố văn hóa, tinh thần giàu bản sắc của người Việt cách đây hơn 1 thế kỷ. Như những chuyện về nghề truyền thống: nông nghiệp, làm giấy, điêu khắc, tạc tượng, chế biến món ăn, xây dựng, bói toán, may mặc, tô vẽ tranh, sơn, các phương pháp trị liệu dân gian, buôn bán, nghề bán rong…Từ những việc hiếu hỉ như cưới hỏi, ma tang, tế lễ, đón Tết đến những sinh hoạt hàng ngày cùng những thú vui như đá cầu, đánh tam cúc, hát trống quân, thả diều, vợt bướm… đã khiến cho các bản vẽ trở thành một loại tài liệu đặc sắc khi nghiên cứu về xã hội Việt Nam vào giai đoạn này.

 

Số trang sách thú vị để hiểu hơn về cuộc sống xưa kia của cha ông:

Cuốn sách Kỹ thuật của người An Nam

  



Chú khách bán nhục phấn (phở) và Hàng ốc


Kỹ nữ gõ phách hát (trên) - Cây nêu - Xẩm hát trống quân (dưới)


Một bờ tường bị người nghịch vẽ bộ phận sinh thực khí và câu nói tục


Ăn bún


Một gánh hàng rong thu hút nhiều đối tượng khách đến ăn


Đau bụng đốt lá sơn cho khỏi


Từ trái qua: Người hàn bát - Xâu dây hoa nhài - Tờ tranh - Cầm quạt đoàn


Trết vách phên nhà bằng bùn và rạ


Trết vách phên nhà bằng bùn và rạ


Đám cưới với lễ vật con lợn trong cũi đi đầu

 

Những cảnh sinh hoạt, nghề của người Việt như tung hứng, đi trên dây múa giáo trong gánh xiếc, kỹ nữ đàn ca... trong một trang ở cuốn sách


Hút thuốc phiện


Là một trong những bản sách hiếm hoi còn sót lại nên cuốn sách có giá trị lớn

Cuốn sách Kỹ thuật của người An Nam