Chuyện Xứ Nam Kỳ-Bài 1: Tiểu thuyết chữ Quốc ngữ đầu tiên

 Chuyện Xứ Nam Kỳ

Bài 1:Tiểu thuyết chữ Quốc ngữ đầu tiên

 


 


Nguyễn Trọng Quản sinh năm 1865 tại Bà Rịa, mất năm 1911 tại Sài Gòn (thành phố Hồ Chí Minh). Ông là nhà giáo, nhà văn, là tác giả của các tác phẩm bằng chữ Quốc ngữ xuất hiện khá sớm trên văn đàn ở nước ta



 


Nguyễn Trọng Quản sinh năm 1865 tại Bà Rịa, mất năm 1911 tại Sài Gòn (thành phố Hồ Chí Minh). Ông là nhà giáo, nhà văn, là tác giả của các tác phẩm bằng chữ Quốc ngữ xuất hiện khá sớm trên văn đàn ở nước ta gồm:
-Thầy Lazaro Phiền (tiểu thuyết – 1887),

-Bốn anh em Chà Và cùng chuyện tầm phào chẳng nên đọc,

-Kim vọng phu truyện. . . .

Thưở nhỏ Nguyễn Trọng Quản ở Sài Gòn là bạn học cùng thời với Trương Vĩnh Ký. Từ năm 1870-1872 Nguyễn Trọng Quản được du học tại Lycée D’Alger, Bắc Phi (thuộc địa của Pháp). Sau đó trở về nước ông làm giáo viên, rồi đảm nhiệm chức Giám đốc các trường sơ học Nam Kỳ tại Sài Gòn (1890-1902).

Với tác phẩm Thầy Lazaro Phiền do nhà xuất bản J.Linage, Linraie E’uteur xuất bản năm 1887, Nguyễn Trọng Quản trở thành nhà văn đầu tiên viết tiểu thuyết bằng chữ Quốc ngữ ở Nam bộ. Nguyễn Trọng Quản viết cuốn sách với mục đích nâng cao vị trí của chữ Quốc ngữ trong quá trình phát triển dân trí ở nước ta vào cuối thế kỷ XIX.

“Ham muốn là dùng lời ăn tiếng nói bình thường của dân chúng mà viết nên truyện nhằm trước tiên quảng bá chữ Quốc ngữ sau đó là tuyên truyền một lối sống lành mạnh, cảnh báo những sai lầm của con người…”.

Tác phẩm Thầy Lazaro Phiền với khoảng 32 trang in nhưng đã có những giá trị và ý nghĩa vô cùng to lớn vào năm 1887, Từ đây nền văn học Việt Nam mở sang một trang mới, chữ Quốc ngữ bắt đầu có chỗ đứng trên văn đàn. Từ đây các tiểu thuyết chương hồi bằng chữ Hán, chữ Nôm dần dần mất chỗ đứng trong dòng văn học Việt Nam vốn ảnh hưởng sâu đậm văn học bác học.

Điều đặc biệt là không gian của tiểu thuyết Thầy Lazaro Phiền được diễn ra tại Bà Rịa – Sài Gòn với thời gian vào cuối kỷ XIX. Đọc tác phẩm này người đọc có thể hình dung được phần nào khung cảnh, đời sống sinh hoạt hằng ngày của nhân dân ở vùng Bà Rịa lúc bấy giờ. Những địa danh quen thuộc của vùng đất Bà Rịa – Vũng Tàu được tác giả thường nhắc đến nhiều lần trong cuốn tiểu thuyết này như làng Phước Lễ, Vũng Tàu, Đất Đỏ, Bà Rịa.

Gia tài văn học Nguyễn Trọng Quản để lại không nhiều nhưng ông là nhà văn tiên phong khai phá, người mở đường đặt viên gạch đầu tiên cho ngôi nhà văn học Việt Nam thời hiện đại từ cuối thế kỷ XIX. Trong Từ điển nhân vật lịch sử Việt Nam của tác giả Nguyễn Q.Thắng – Nguyễn Bá Thế, NXB Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh trang 986 có nhận xét về nhà văn Nguyễn Trọng Quản như sau:

”Là người Việt Nam đầu tiên viết tiểu thuyết theo quan điểm phương Tây… vạch cho lịch trình tiểu thuyết Việt Nam một bước ngoặt nhất định. Thời điểm này khởi đi từ, chữ Quốc ngữ có chỗ đứng trên sinh hoạt văn hóa miền Nam.”

Sự ra đời và phát triển của chữ Quốc ngữ là nguồn gốc chính để bộ môn tiểu thuyết lớn mạnh, mà truyện Thầy Lazaro Phiền là một kết quả đích thực khiêm nhường nhất. Đây là một quyển sách mỏng nhưng trong đó tác giả ký thác một ước mơ lớn mà các nhà văn miền Nam mong muốn vươn tới: ”Người An Nam sánh trí, sánh tài thì chẳng thua ai.””
Tác giả: Nguyễn Văn Tâm