Chuyện Trường Cao Đẳng Sư Phạm-Hoàng Ngọc Phách

Chuyện Trường cao đẳng Sư phạm (Ecole supérieure de pédagogie)

 Năm 1919, tôi xách ba bằng [1] đi thi vào Trường cao đẳng Sư phạm (Ecole supérieure de pédagogie).


Trước khi đi thi, tôi phân vân về những ý kiến của bà con và bè bạn; người thì bảo xin bổ giáo học vì có văn bằng Pháp đi dạy học được lương cao, 60 đồng một tháng, trị giá bằng 15 tạ gạo lúc bấy giờ, gấp ba lương giáo viên có bằng Đíp-lôm. Có cụ lại khuyên vào Trường luật để sau ra làm quan. Có ông bảo nên vào Trường thuốc để ra làm Đốc-tơ (bác sĩ), một nghề tự do, kiếm tiền dễ lắm, cứ "cầm cổ tay người ta là có tiền rồi". Nguyên lúc ấy có 7 trường cao đẳng họp lại thành nền Cao học Đông Dương (Université Indochinoise), 

 

nhưng người ta đặc biệt chú ý đến ba trường: Trường thuốc, Truờng luật và Trường sư phạm. Trường luật người ta gọi là "trường chính", Trường sư phạm là "trường giáo". Chính với giáo là hai danh từ dùng đã lâu đời. "Chính" là làm quan, "giáo" là làm thầy.



​Năm 1919, tôi xách ba bằng [1] đi thi vào Trường cao đẳng Sư phạm (Ecole supérieure de pédagogie).
Trước khi đi thi, tôi phân vân về những ý kiến của bà con và bè bạn; người thì bảo xin bổ giáo học vì có văn bằng Pháp đi dạy học được lương cao, 60 đồng một tháng, trị giá bằng 15 tạ gạo lúc bấy giờ, gấp ba lương giáo viên có bằng Đíp-lôm. Có cụ lại khuyên vào Trường luật để sau ra làm quan. Có ông bảo nên vào Trường thuốc để ra làm Đốc-tơ (bác sĩ), một nghề tự do, kiếm tiền dễ lắm, cứ "cầm cổ tay người ta là có tiền rồi". Nguyên lúc ấy có 7 trường cao đẳng họp lại thành nền Cao học Đông Dương (Université Indochinoise), nhưng người ta đặc biệt chú ý đến ba trường: Trường thuốc, Truờng luật và Trường sư phạm. Trường luật người ta gọi là "trường chính", Trường sư phạm là "trường giáo". Chính với giáo là hai danh từ dùng đã lâu đời. "Chính" là làm quan, "giáo" là làm thầy.

Trường luật, tôi đã dứt khoát không vào, vì không thích làm quan. Còn Trường sư phạm và Trường thuốc thì tôi đương cân nhắc; thầy thuốc chữa thể chất, thầy giáo chữa tâm hồn. Hai nghề cùng hay cả và tôi cũng thích cả. Nhưng tôi thích viết văn và dạy học, nên vào học "nghề thầy" để ra dạy văn chương, luân lý.

Nhưng trước khi đi sâu vào chuyện Cao đẳng sư phạm của tôi, cũng nên nhắc qua về hệ thống cao đẳng ở Đông Dương lúc bấy giờ.

Như đã nói ở trên, hồi ấy ở Hà Nội có 7 Trường cao đẳng, là các trường:

1- Trường thuốc (École de médecine).

2- Trường thú y (Ecole de vétérinaire).

3- Trường công chính (Ecole des travaux publics) (Ba trường này có đã lâu).

4- Trường cao đẳng [2] Sư phạm (Ecole supérieure de pédagogie).

5- Trường luật (Ecole de droit).

6- Trường cao đẳng Canh nông (Ecole supérieure d’agriculture).

7- Trường thương mại (Ecole de commerce).

Lịch sử các trường này khá phức tạp. Từ năm 1927 đến năm 1941 thay đổi nhiều lần, có trường mất đi, có trường thêm ra, có trường cải tiến theo hẳn trường đại học ở Paris nước Pháp, v.v... Tôi không đi sâu vào vì sẽ dài quá.

Có người hỏi tại sao không gọi là Trường đại học lại gọi là Trường cao đẳng. Hai trường khác nhau như thế nào?

Cao đẳng hay đại học là bậc cao nhất (enseignement supérieur) trong một nước, nhưng mục đích, yêu cầu và tổ chức có khác nhau. Đây tôi nói theo khuôn khổ các trường ở nước Pháp mà chính quyền thực dân đem áp dụng ở Đông Dương.

Ở Pháp, nền đại học được dạy ở các Trường đại học (faculté) và ở các Trường cao đẳng (Ecole supérieure) nhưng khác nhau ở điểm này: vào Trường đại học không phải thi, không hạn tuổi, không hạn số lượng, chỉ cần có văn bằng trung học (Tú tài). Chương trình học chú trọng về nguyên tắc chung. Các Trường cao đẳng tổ chức chặt chẽ hơn. Sinh viên vào truờng phải qua một kỳ thi. Số lấy có hạn, tuổi có hạn. Sinh viên được học bổng, được ăn ở trong trường. Lúc ra truờng được bổ dụng ngay. Chương trình học chuyên về một vài môn. Mục đích là huấn luyện sinh viên hiểu sâu mấy môn đó để lúc ra trường có thể áp dụng ngay vào công việc thực tế của nghề mình.

Các Trường cao đẳng ở Hà Nội tổ chức theo kiểu mẫu các trường ở Paris, nhưng trình độ có khác nhau nên phải châm chước nhiều và phải thêm vào cái đuôi "Đông Dương" cho khác "mẫu quốc”.

Việc tổ chức các trường này khá phức tạp. Muốn hiểu việc đó phải biết rõ dụng ý của chính quyền thực dân Pháp lúc ấy trong việc lập ra các Trường cao đẳng. Đế quốc Pháp vẫn luôn luôn tuyên truyền việc "văn minh hóa” xứ Đông Dương. Trong việc "hóa" này thì việc mở rộng và nâng cao kiến thức của "dân bản xứ" là chính để đi đến chỗ "có tài đức bằng nhau thì được hưởng quyền lợi bằng nhau". Phạm Quỳnh đã nêu ý kiến này ngay đầu bìa tạp chí Nam phong như một châm ngôn: ”Il n’y a que des égaux qui sont égaux" nghĩa là "có đồng đẳng mới bình đẳng". Đó vốn là câu đầu lưỡi của chính khách thực dân, nhất là An-be Xa-rô (Albert Sarraut), Toàn quyền Đông Dưong, một thực dân cáo già, tuy còn trẻ tuổi. Thực ra không phải thế. Mà thực là vì trong hồi Đại chiến thứ nhất (1914 - 1918) Pháp bị thua to, nên Pháp phải dùng chính sách mua chuộc. Toàn quyền Xa-rô đã mua chuộc công chức Việt Nam bằng những phẩm hàm của triều đình Huế. Những bằng sắc Hàn lâm, Thị độc, đã làm cho nhiều công chức phấn khởi, quên cả là người dân mất nước. Có nhiều người về làng khao vọng linh đình, lại còn tranh nhau ngôi thứ. Một nhà văn trào phúng đã mỉa mai: "Các quan quý quốc bảo hộ thật khôn ngoan, đem buộc cổ công chức Việt Nam bằng cái dây tam tòng" (tức là dây đeo thẻ ngà kim khánh).

Đối với thanh niên trí thức thì Xa-rô mở các Trường cao đẳng để mơn trớn, nói cách khác là nhốt họ vào cái "lồng son ông sứ" để họ ngồi yên, không quấy rối và để họ ca tụng chế độ thực dân, nhất là lúc chiến tranh đương kịch liệt và Pháp đương thua to. Chúng có mua chuộc được không? Điều đó sẽ xin nói sau. Đây hãy xin nói về cách tổ chức nhà trường: chế độ ăn ở, chế độ học tập theo ý nghĩa nói trên.

Trường cao đẳng mở cho 3 nuớc ở Đông Dương: Việt Nam, Cao Miên (Campuchia), Lào. Nhưng sinh viên Việt Nam nhiều hơn cả. Hai nước kia nhiều khi chỉ có vài ba người thôi, ở Việt Nam thì sinh viên Bắc Kỳ chiếm đa số. Tuy nói đa số, nhưng vào khoảng những năm 1919-20, sinh viên Bắc Kỳ cũng chỉ có độ 80 nguời. Tất cả trường không được 100 người Trung, Nam, Bắc.

Hết thảy sinh viên đều ăn ở trong trường. Học bổng được khoảng 30 đồng một tháng, trả tiền ăn hết 22 đồng, còn 8 đồng là tiền túi, 22 đồng tiền ăn lúc ấy là sang lắm vì giá thực phẩm hạ: gạo tốt có 5đ một tạ, trứng gà 1,2 xu một quả, lạp xưởng 5 xu một đôi ... Bữa cơm có 4 món: 2 món thịt (lợn hoặc bò), một món rau, một món canh cho 4 người một cỗ. Ăn cơm dùng thìa, nĩa, đĩa tây như ăn cơm Âu. Ăn xong có món "đét-xe”: chuối, quýt hoặc bánh ngọt. Người phục vụ là những bồi bếp lành nghề. Bồi độ 5 người do 1 ngươi cai điều khiển. Bếp có một nhóm độ 10 người do bếp chủ phụ trách. Kể ra phục vụ độ 200 sinh viên của 3 trường: luật, sư phạm, canh nông ở một khu chả cần đông người đến thế, nhưng ở đây còn có tính cách phô trương sang trọng.

Gạo và thức ăn do nhà thầu đưa đến hàng ngày. Có một điều đặc biệt là việc mua bán, cách nấu nướng, làm thực đơn v.v... là do một Ban quản trị gồm có 2, 3 sinh viên do anh em bầu ra, thường là một sinh viên miền Bắc, một miền Nam, một miền Trung. Ban này có toàn quyền kiểm soát nhà bếp, nhất là nhà thầu, vì bọn này hay gian trá bớt xén. Ví dụ gạo loại 1 thì đưa loại 3. Đưa cá ươn, thịt ôi, rau héo. Nếu Ban quản trị không tinh thì bị lừa luôn. Tôi thường được anh em bầu vào Ban quản trị nên nắm được vấn đề ăn uống này. Nhiệm vụ của Ban này rất khó khăn, nhất là việc làm thực đơn, làm thế nào dung hòa được khẩu vị của anh em cả ba xứ. Miền Bắc thích ăn nhạt, miền Trung thích ăn cay, miền Nam thích ăn mặn (ăn mắm). Nhiều khi vì thức ăn làm không đúng khẩu vị, thành cãi cọ nhau mất đoàn kết giữa anh em sinh viên ba kỳ. Một phần nào, chúng tôi đã thành công.

Lúc mới vào học, anh em ba kỳ không thân yêu nhau, do những thành kiến từ trước. Sinh viên miền Bắc gọi anh em miền Nam là bọn "cộc cạch" (nghĩa là thô bạo), anh em miền Nam gọi miền Bắc là xứ "dưa hấu' (nghĩa là xanh vỏ đỏ lòng). Anh em miền Bắc gọi miền Trung là xứ "cá gỗ" (keo kiệt) v.v... Nhóm chúng tôi, nhất là mấy anh em đã hoạt động ở Trường Bưởi chủ trương đoàn kết, tìm mọi cách làm cho anh em ba kỳ hiểu nhau, thân yêu nhau. Chúng tôi thường đến nói chuyện tâm sự với anh em miền Nam, nhấn mạnh về truyền thống Nam Bắc một lòng và cũng bóng gió xa gần về mưu mô của Pháp ngấm ngầm chia rẽ. Nội dung là thế, nhưng lời nói phải rất mềm mỏng, vì anh em miền Nam hồi ấy vẫn cho Pháp là tốt. Một số sinh viên Nam Kỳ được ra Bắc học là con cái những gia đình thân Pháp và có thế lực. Những lúc rỗi việc, chứng tôi mời anh em đi chơi phố, đến thăm nhà các bạn có gia đình ở Hà Nội. Một lần chúng tôi đã làm được anh em cảm động. Hôm ấy là Tết Nguyên đán. Anh em không về Nam ăn tết được, rất nhớ nhà. Sáng mồng 1 tết, anh em thuê xe đi một đoàn lang thang ngoài phố, có vẻ buồn rầu. Chúng tôi mời được một số vào nhà ăn tết, thấy các cụ già mừng tuổi con cháu, thấy cành đào, chậu cúc đua tươi ở ngoài sân, các anh em cảm động quá không nói gì được chỉ uống trà, nhấp chén ruợu rồi cáo từ. Lúc ra của họ cầm chặt tay chúng tôi mà nói một câu tiếng Pháp: "Cette heure sacrée cous appartient" (cái giờ êm ái thiêng liêng này là của các anh) rồi lững thững ra về. Từ đó anh em Nam Bắc thật sự thương yêu nhau.

Ngày 10-10-1968,
HOÀNG NGỌC PHÁCH


Trường Cao đẳng Sư phạm (Ecole supérieure de pédagogie): Danh sách 14 thí sinh đã đậu kỳ thi tốt nghiệp (Khoá 1, 1917-1920). 
Gồm : Cao Văn Lộc-Dương Minh Thời-Dương Quảng Hàm-Hà Văn Bình-Huy Dit Lacoste-Nguyễn trung Thăng-Nguyễn Văn Ba-Nguyễn Vặn Hiếu- Nguyễn Văn Nho - Phạm Đình Hoan - Chu Văn Dương - Nguyễn Gia Tường - Nguyễn Văn Trọng - Vũ Tiến San
Ảnh: L’Écho annamite, n° 40, 12 juin 1920, p. 2. (Báo L’Écho annamite, số 40 ngày 12.06.1920.