“XỨ NAM KỲ” – Giáo Sư Nguyễn Mạnh Hùng

 “XỨ NAM KỲ” – Giáo Sư Nguyễn Mạnh Hùng


La Cochinchine, theo cách hiểu từ xa xưa là xứ Nam kỳ. Đây là vùng đất rộng lớn phía Nam, nằm trên đường du thám của quân viễn chinh Pháp những năm đầu thế kỷ XIX. La Cochinchine là từ được cấu trúc thành hai từ tố.

 

Từ tố đầu là Cochin hay Gocin (phiên âm của Giao Chỉ), từ tố tiếp sau Chine được gắn thêm để xác định vị trí “bên cạnh Trung Hoa” – nghĩa là gần Tần (thời Chiến Quốc). Tuy nhiên, cũng có một cách nghĩ khác, Cochin là một đoạn sông của Thủy Chân Lạp thuộc dòng chảy Mê Kông (Kohchin – sông Cửu Long), nơi mà cư dân Nam Kỳ đã định cư.




 



Ngược dòng lịch sử, vào đầu thế kỷ XV, những nhà du thám hàng hải châu Âu đã từng đến Đồng bằng sông Cửu Long để mua nhiều loại thực phẩm, kể cả nước ngọt. Có thể xem như đây là Con đường tơ lụa trên sông nước Nam Kỳ, nơi giao thương thuận lợi, trên bến dưới thuyền. Họ cũng đã từng gọi nơi đây là Chochi hay Cochin để tránh nhầm lẫn với tên gọi vùng đất Cochin (Ấn Độ).

Tên gọi Cochinchine, trong một phân khúc lịch sử, được thay cho Đàng Trong và Tonkin thay cho Đàng Ngoài. Riêng 3 nước Đông Dương lại được gọi tên là Indochina. Tên gọi này đã gây khó hiểu cho nhiều nước trên thế giới, khi cần định hướng cho chuyến du thám vào miền Viễn Đông. Họ cho rằng tại sao lại vừa Indo (Ấn Độ) lại vừa Trung Hoa (China). Vậy nó ở đâu? Hơn nữa, tại sao nước Việt Nam lại phân chia làm hai Đàng (Đàng Trong – Đàng Ngoài) mà lại còn một đoạn giữa là kinh đô Huế với tên gọi là xứ An Nam? Đến thời Pháp, người “chủ mới” đã đặt tên là Bắc Kỳ, Trung Kỳ, Nam Kỳ.

Riêng vùng đất Nam Kỳ, một vùng đất từng trải qua nhiều biến động chính trị, đã khoác lên mình nhiều tên gọi khác nhau: Gia Định (1779-1832); Nam Kỳ (1834-1945); Nam Bộ (1945 -1948); Nam Phần (1948-1956); Nam Việt hay Miền Nam (1956-1975); hay vùng đất Phương Nam ngày nay.

La Cochinchine (xứ Nam kỳ), đây là một tập sách viết về lịch sử, kinh tế, văn hóa, du lịch… trùm lên một vùng đất rộng thuộc Đồng bằng Sông Cửu Long, hay còn gọi là Nam Kỳ Lục Tỉnh. Vào những năm đầu của thế kỷ XX, Nam Kỳ đã trở thành thuộc địa của Pháp do Thống đốc D.Cognacq là một trong số người cai trị. Ông là người đứng tên trên tập sách này như để chứng nhận giá trị văn hóa phi vật thể cho tác phẩm.

Tại trang đầu của tập sách, tác giả có trích đăng bài diễn văn (đọc tại Saint – Gervais ngày 11/10/1925) của Ngài Alexandre Varenne – viên Toàn quyền Đông Dương, ông được một bộ phận trí thức Pháp tại Paris vào thời ấy đánh giá như một nhà chính trị có óc xã hội học! Với lời lẽ thể hiện được qua bài diễn văn như để giới thiệu một hình mẫu cai trị mang tính nhân văn cho tập sách để tiếp cận với chính trường Parts hơn là Việt Nam.

Tuy nhiên, tác giả tập sách La Cochinchine này là ai? Đó là Marcel Bernanose (1884 -1952). Tác giả đã không để lại một dòng chữ nào để giới thiệu về mình. Tuy nhiên, chúng tôi truy tìm được từ trong kho tư liệu cũ và biết được một phần nào qua một số công trình mà ông đã để lại cho xứ sở Liên bang Đông Dương này. Ông là một viên quan làm việc với tư cách cố vấn văn hóa cho nhiều quan Thống đốc và nhiều quan Toàn quyền Đông Dương.


Vẫn còn thiếu sót nếu không nhắc đến Photo Nadal – Sài Gòn, người thợ săn lịch sử Đông Dương, đã cung cấp một bộ ảnh khá tươm tất cho tập sách, trông như một bộ lịch sử Nam Kỳ lục tỉnh bằng hình ảnh.

La Cochinchine (xứ Nam kỳ) xuất bản năm 1925, được in ra với 400 bản và được đánh số (album 400 exempaires numérotés), do nhà Photo Nadal xuất bản. Tập sách mà chúng tôi đang sử dụng là tập được đánh số 319 với 436 bản khắc đồng (gravure sur cuivre) của chính tiệm chụp ảnh nói trên.

Hơn 100 năm trôi qua với bao thăng trầm của lịch sử, Tập sách La Cochinchine (xứ Nam Kỳ) vẫn được lưu giữ trong tủ sách gia đình của Nhà nghiên cứu Trương Ngọc Tường (Cai Lậy – Tiền Giang) như một kỷ vật.

Nhằm giúp bạn đọc hoài niệm về một vùng đất Nam Kỳ thuộc địa, vào những năm đầu của thế kỷ XX, Tạp chí Xưa & Nay phối hợp với Nhà xuất bản Hồng Đức để tái bản tập sách La Cochinchine (xứ Nam kỳ). Sách giữ nguyên bản tiếng Anh, tiếng Pháp và format bản gốc, có bổ sung hiệu đính bản dịch tiếng Việt.

PGS. TS. Nguyễn Mạnh Hùng