Chuyện Xứ Nam Kỳ Lục Tỉnh : Chợ Điều Khiển và các chợ khác ở thế kỷ 18

 Chuyện Xứ Nam Kỳ Lục Tỉnh 

Chợ Điều Khiển và các chợ khác ở thế kỷ 18

 


 


Chợ Điều Khiển ở cách trấn thự phía nam 2 dặm rưỡi. Xưa ở trước dinh quan Điều Khiển, cho nên gọi tên như vậy. Ngày nay nha môn thay đổi mà tên chợ vẫn theo thói cũ, phố xá trù mật …”

(theo Gia Định thành thông chí, tr. 183)

 



Chợ Điều Khiển trên bản đồ Gia Định 1815 do Trần Văn Học vẽ.

‘…. Chợ Điều Khiển ở cách trấn thự phía nam 2 dặm rưỡi. Xưa ở trước dinh quan Điều Khiển, cho nên gọi tên như vậy. Ngày nay nha môn thay đổi mà tên chợ vẫn theo thói cũ, phố xá trù mật …”

(theo Gia Định thành thông chí, tr. 183)

01-Chợ Điều Khiển

Chợ Điều Khiển xưa ở khoảng ngã tư Nguyễn Trãi – Cống Quỳnh gần chợ Thái Bình, quận 1 ngày nay. Chợ Điều Khiển khá lớn phục vụ cho đồn dinh quan Điều Khiển và tất cả các cơ quan quân dân quanh Đồn dinh.

Ngoài chợ Điều khiển còn có 
02-chợ Nguyễn Thực ở phía tây huyện Bình Dương 10 dặm (vùng Phú Thọ hiện nay). Năm Đinh Tỵ (1727), người tỉnh Quảng Ngãi tên Nguyễn Thực khi phá rừng hoang lập chợ ở chỗ ấy, nhân đó thành một nơi tụ hội đông đúc. Người ta lấy tên ông làm tên chợ.

03-Chợ Thị Nghè ở bên tả ngạn gần cầu Thị Nghè (quận Bình Thạnh ngày nay).

04-Chợ Tân Kiểng cũng gọi là Chợ Quán ở thôn Tân Kiểng (quận 7) có phố xá trù mật, đến tết Nguyên Đán hàng năm có hội đánh du tiên nên gọi là Chợ Lớn.

05-Chợ Ngã Tư ở thôn Bình An trên đường cái quan (đường Nguyễn Trải, quận 5).

06-Chợ Phú Lâm ở thôn Phú Lâm (quận 6 ngày nay).

Chợ Điều Khiển Theo Wikipedia

Chợ Điều Khiển được lập năm 1731 ở phía nam dinh Phiên Trấn thời chúa Nguyễn Phúc Chu trong lịch sử Việt Nam. Đây là một trong số ít ngôi chợ có mặt sớm nhất trên đất Sài Gòn xưa, nhưng nay đã không còn, khi nhà cầm quyền Pháp cho quy hoạch lại thành phố.


Ngày 18 tháng 4 (âm lịch) năm Tân Hợi (1731) một lãng nhân tên Prea Sot (Sà Tốt) thuộc Chân Lạp, đã xúi giục những người dân bản xứ nổi dậy chém giết tất cả những người Việt Nam đang sống trong vùng Banam, rồi cùng kéo xuống Gia Định cướp phá.

Cai cơ Trương Phước Vĩnh liền được lệnh chúa Nguyễn Phúc Chu mang đại quân vào Gia Định đánh đuổi.

Đến nơi, ông cho lập đồn dinh (nằm ở góc đường Nguyễn Trãi với Phạm Ngũ Lão ngày nay) để có chỗ đóng quân. Trong khoảng thời gian đó, một ngôi chợ cũng dần hình thành kề bên để cung cấp hàng hóa, nhu yếu phẩm cho đông đảo quân lính trong đồn.

Bấy giờ dinh Phiên Trấn và dinh Trấn Biên đều có võ quan coi việc quân để giữ gìn an ninh trật tự tại địa phương. Nhưng khi có quân xâm lược tới thì quan quân ở mỗi dinh không đủ sức đánh trả. Nhân vụ Prea Sot, triều đình Thuận Hóa thấy rằng ở nơi biên khổn cần phải có một cơ quan thống suất (chỉ huy chung), nên chúa Nguyễn đặt ra chức "Điều khiển sự sở Gia Định" và sai Trương Phước Vĩnh giữ chức ấy (1732).

Kể từ đó đồn dinh và ngôi chợ đều được gọi theo chức vụ này. Giới thiệu chợ Điều Khiển, sách Gia Định thành thông chí do Trịnh Hoài Đức soạn ở đầu thế kỷ 19, có đoạn chép:Chợ Điều Khiển cách trấn (Phiên An) về phía nam 2 dặm rưỡi, khi xưa chợ họp trước Nha Điều khiển, nên mới có tên đó...Nay nha trị đã dời đi, nhưng tên chợ còn như cũ, chợ này quán xá trù mật.

Nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu đã chỉ ra vị trí ngôi chợ ấy như sau:Chợ Điều Khiển nằm gần đường quan lộ (nay là đường Nguyễn Trãi), cụ thể, chợ nằm trên đường Nam Quốc Cang thuộc phường Phạm Ngũ Lão, quận 1 ngày nay. Đầu này nhìn sang dinh Điều Khiển, đầu kia tới đường xe lửa đi Mỹ Tho cũ, nơi có đường Bùi Thị Xuân ngày nay cắt qua.
Nhà nghiên cứu Huỳnh Minh, trong Gia Định xưa, cho rằng tướng Nguyễn Cửu Đàm (? - 1775, người Gia Định), đã đứng ra lập chợ Điều Khiển là không đúng. Vì theo sử sách, thì mãi đến năm 1771, tức sau khi chợ Điều Khiển đã có mặt 40 năm, chúa Nguyễn mới cử Nguyễn Cửu Đàm giữ chức Điều khiển thay Nguyễn Cửu Khôi, để đem quân đi cản phá quân Xiêm La.


Học giả Trương Vĩnh Ký trong "Ký ức lịch sử về Sài Gòn và vùng phụ cận" đã chỉ ra vị trí chợ Điều Khiển và chợ Cây Da Thằng Mọi như sau:"Từ đường Thuận Kiều (Cách mạng tháng Tám ngày nay) đến Sở nuôi ngựa (góc Nguyễn Trãi – Cống Quỳnh ngày nay), người ta thấy có chợ Điều Khiển và chợ Cây Da Thằng Mọi. Có người nói hai tên đó chỉ cùng một chợ...Điều Khiển là chức tước của vị tướng cầm quân, nên mang tên ấy. Nhưng tại sao gọi là Cây Da Thằng Mọi? Tên này do bởi một món hàng bày bán trong chợ. Ở đây người ta đem bày bán một thứ chân đèn bằng đất nung nặn như hình người mọi đen đội trên đầu, trong đó người ta đặt một tim bấc thấm ngập dầu phụng hay dầu dừa. Ngôi chợ này nằm dài suốt cửa nhà ông Blancsubé tới đường hỏa xa, có đầy nhà cửa và hàng quán" . Cùng quan điểm này, có học giả Vương Hồng Sển. Ông viết: "Khỏi chợ Điều Khiển là đến chợ Cây Da Thằng Mọi"

Tuy nhiên, nhà nghiên cứu Huỳnh Minh lại tin theo quan điểm "hai tên đó chỉ cùng một chợ", và chợ Điều Khiển chính là chợ Thái Bính ngày nay (tức ở góc Cống Quỳnh – Nguyễn Trãi). Ông viết:"Về sau, khi quân Pháp xâm chiếm miền Nam, cho sửa sang đường sá lại, xây cất thêm nhà cửa ở khoảng chợ Điều Khiển. Các phố xá, hãng buôn của họ thiết lập ngày một nhiều. Điển hình là hãng Blancsubé được mở ra ngay góc đường Frères Louis và Arras (trước 1975, là Võ Tánh-Cống Quỳnh), cho nên tên chợ Điều Khiển dần dần không còn ai nhắc tới nữa, mà lại lấy tên hãng trên mà gọi là chợ "Lăng Xi Bền", rồi sau đổi thành "chợ Thái Bình". Điều nên biết thêm, chợ Điều Khiển khi xưa còn có tên là "chợ Cây da thằng mọi"