Có một “huyền thoại” lưu truyền rất rộng
rãi về bàn chân Giao Chỉ, với hai ngón cái choãi ra, chạm vào nhau, đó mới là
đặc điểm người Việt cổ, còn chúng ta không liên quan gì tới người Việt cổ bởi
không còn giữ được đặc điểm đó (!). |
|
|
|
Thật kỳ lạ là cho đến tận bây giờ, “huyền thoại” đó vẫn được lưu truyền rộng rãi, ít được xác thực những thông tin liên quan tới nó. Câu chuyện xoay quanh khái niệm Giao Chỉ này tuy “đơn giản”, nhưng đã gây được ảnh hưởng (tiêu cực) không hề nhỏ tới tâm lý của người Việt, gây ra những hiểu lầm, mặc cảm trong tâm tư, tình cảm của người Việt. Vì lý do đó, và cũng là để “giải ảo” “huyền thoại” này, tôi sẽ thực hiện bài khảo cứu này để tìm hiểu về khái niệm Giao Chỉ và bàn chân giao chỉ, cũng như xét lại tính thiếu thực tế và cơ sở khoa học của nó.
1/ Nguồn gốc hai chữ Giao Chỉ
Vấn đề nguồn gốc chữ Giao Chỉ, hay giải nghĩa của nó liên quan tới ngón chân, không chỉ xuất hiện gần đây, mà đã có từ rất lâu rồi: thế kỷ 8 SCN, Đỗ Hựu, soạn giả của Thông Điển đời Đường, có ghi: “Giao Chỉ là người Nam di, ngón chân cái toạc ra, đứng thẳng hai bàn chân thì ngón chân cái giao vào nhau, cho nên gọi là Giao Chỉ (chỉ là ngón chân cái)”. [3]
Các thông tin về bàn chân Giao Chỉ sau đó được ghi lại với nhiều cách giải nghĩa khác nhau nhưng đều hướng về “chân”:
“Về chữ “chỉ” trong từ ghép “Giao Chỉ”: Khang Hy Tự Điển, Từ Hải ấn hành từ 1947 về trước, Hán Việt Tự Điển của Thùy Chửu đều giảng nghĩa “chỉ” là cái chân. Riêng Hán Việt Tự Điển của Thùy Chửu và Từ Hải ấn hành sau 1950 có ghi chú thêm: sau này cũng gọi “chỉ” là ngón chân.” [3]
“Về Giao Chỉ, Từ Hải ghi: Theo sách Lễ Vương chế, người Man ở phương Nam, xâm trán, giao chỉ. Lại giảng rõ thêm: chỉ là chân vậy. Người Man khi nằm, đầu hướng vào trong, chân hướng ra ngoài, hai chân gác tréo lên nhau nên gọi là giao chỉ.” [3]
Các học giả Việt Nam sau này đều theo các cách giải nghĩa từ Giao Chỉ trong sách vở Trung Hoa.
Tới thời Pháp thuộc, thông tin về bàn chân Giao Chỉ này còn được “ghi lại” và tuyên truyền bởi người Pháp: vào năm 1868, ông bác sĩ Thorel người Pháp của đoàn thám hiểm Doudart de Lagrée cho rằng “hai ngón chân cái giao nhau là ‘một đặc điểm của giống người An Nam’”, và sau này, các học giả Pháp khác cũng hoạ theo ý kiến đó của ông Thorel. [2]
Chúng ta có thể thấy ngay là vấn đề này được “ghi lại” bởi những kẻ thù của chúng ta, một trong thời Hán thuộc, còn lại trong thời Pháp thuộc, và hai thời kỳ này chế độ đô hộ ra sức tấn công vào tinh thần dân tộc của người Việt, với mục đích đồng hoá và dễ cai trị hơn, nên nếu là người Việt, đáng lẽ chúng ta phải chất vấn ngay tính xác thực của chúng, bởi họ có đủ động cơ để gắn những mục đích không tốt vào câu chữ của mình. Thế nhưng, chúng ta không hề chất vấn chúng, mà thậm chí còn tán đồng và ủng hộ nữa. Và rồi sau đó thông tin này trở lại, và “ám ảnh” người Việt trong suốt mấy thập kỷ vừa qua, gây không ít hệ luỵ với tinh thần của dân tộc, khiến họ hiểu nhầm về nguồn gốc dân tộc mình, mang trong mình một mặc cảm tự ti về một dân tộc “dị chủng”.
2/ Giao Chỉ là gì?
Về nghĩa của chữ Giao trong Giao Chỉ, Tiến sĩ Nguyễn Việt lý giải: chữ Giao được sử dụng với hàm ý “vùng đất thấp ngập nước ven biển”, được sử dụng đầu tiên trong Sử ký của Tư Mã Thiên. Phải đến tận khi tây Hán thôn tính Nam Việt, thì mới xuất hiện địa danh Giao Chỉ bao gồm các quận hành chính như Thương Ngô, Uất Lâm, Nam Hải, Hợp Phố, Giao Chỉ, Cửu Chân, Nhật Nam và Tượng Quận, sau đó Giao Chỉ được đổi thành Giao Châu, bao gồm quận Giao Chỉ ở đồng bằng sông Hồng hiện nay. Và Giao trong Giao Chỉ có thể tương đồng với Lạc, có nghĩa là vùng đất thấp ngập, nằm trong cách gọi phân biệt tộc người theo vùng cư trú: cao – thấp, núi – biển, cao khô – thấp ướt, như việc người Việt gọi những người vùng thấp là Việt Rặc (Lạc Việt) và những người Việt vùng cao là Việt Âu. “Chỉ” và “Châu” trong Giao Chỉ, Giao Châu đều cùng nghĩa chỉ địa danh cư trú lớn, tương tự với nghĩa của “vùng”. Và theo Tiến sĩ Nguyễn Việt, suy diễn “chỉ” là ngón chân choạc ra của người Việt là thiếu cơ sở khoa học. [1]
3/ Và “bàn chân giao chỉ” có cơ sở và căn cứ khoa học nào nào không?
Có hai trường hợp dẫn đến sự biến dị ở ngón chân cái:
a. Dân tộc ta là một dân tộc gốc nông nghiệp, đời sống gắn bó chặt chẽ với ruộng đồng, đôi chân thường xuyên đi chân đất, để làm ruộng cho được tiện lợi, và khi lội bùn, ngón cái phải choãi ra để giữ thăng bằng, tránh bị ngã. Cùng với đó là một chế độ ăn không đủ dinh dưỡng, chế độ sinh hoạt thiếu canxi, khiến cho xương dễ bị biến dạng, nên hai ngón chân cái dễ toẽ ra, hình thành bàn chân “giao chỉ” như bức tranh dưới đây. [2]
b. Hiện tượng biến dị ở chân: đây là hiện tượng hai ngón chân cái chệch ra ngoài không chỉ có ở Việt Nam, mà còn có ở nhiều nhóm dân tộc khác như Mã Lai, Thái Lan, Trung Hoa, Ả Rập, Melanesia và người Negrito da đen, chỉ khác nhau ở mức độ. Đây không phải là hiện tượng bệnh lý, mà có thể coi là một biến dị lại tổ (variation atavique) do xương mọc không thẳng như bình thường. Hiện tượng này thường sẽ mất sau 1-2 thế hệ. [2]
Và dù là trường hợp a hay trường hợp b, thì theo PGS Hà Văn Phùng, Viện trưởng Viện khảo cổ học, kiểu ngón chân có dạng giao nhau này đều là do bệnh lý chứ không phải là đặc điểm đặc trưng của người Việt. Các bộ xương Việt cổ thời Đông Sơn hay thời thuộc Hán sau này, đều không có đặc điểm đó, thế nên, chỉ có thể nói một bộ phận nhỏ, hoặc rất nhỏ trong toàn thể dân tộc Việt có đặc điểm đó. Các “bàn chân Giao Chỉ” chỉ trong một thời gian ngắn đã biến mất trong các thế hệ sau, thể hiện rõ tính thiếu căn cứ khoa học của nó.
Vậy nên, chúng ta có thể khẳng định ngay: nói tổ tiên người Việt có ngón chân Giao Chỉ là hoàn toàn không chính xác, và cũng không có cơ sở cả về thực tiễn lẫn khoa học.
4/ Kết luận
Bàn chân Giao Chỉ không chỉ không có căn cứ khoa học, mà lịch sử, ngữ âm cũng đều khác với những gì được diễn giải. Chúng ta nên cẩn trọng hơn khi lưu truyền và đón nhận những thông tin lệch lạc tương tự như thế.